TS. Võ Trí Thành: Doanh nghiệp Việt phải biết chơi với “người lớn”

30/06/2015 15:24 PM |

Chúng ta nhìn những hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ là câu chuyện thị trường, câu chuyện thu hút FDI..., cái quan trọng hơn là kết nối và học hỏi, bởi chơi với “người lớn” mình học được rất nhiều.

Nội dung nổi bật:

- Theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam đang có 4 tín hiệu tốt trong hấp dẫn đầu tư, gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, Nguồn lực dân số, Môi trường kinh doanh – cải cách thể chế, và Mở cửa hội nhập

- Với TPP, thách thức trong ngắn hạn có thể là vấn đề ai tranh thủ thời cơ tốt hơn ai, doanh nghiệp Việt hay nhà đầu tư nước ngoài, hay vượt qua khó trong ngắn hạn cũng là một vấn đề. Nhưng về trung và dài hạn, đây là tác động rất tích cực đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

- Những hiệp định thương mại tự do không chỉ là câu chuyện thị trường, câu chuyện thu hút FDI, mà là câu chuyện cơ hội để chúng ta tiếp cận với những cái tốt nhất về công nghiệp, kỹ năng quản lý.


“Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. Quá trình cải cách mới đi được những bước đầu tiên trên con đường tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều tín hiệu tốt hấp dẫn đầu tư, thu hút đầu tư, dù là trong nước hay ngoài nước”, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

* Xin ông cho biết cụ thể những tín hiệu tốt đấy là gì?

TS. Võ Trí Thành: Điều đầu tiên là sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Rõ ràng, sự ổn định kinh tế vĩ mô đã đem lại một tín hiệu về phân bổ nguồn lực để các nhà đầu tư yên tâm rằng: Tín hiệu ấy ít bị biến động quá lớn trong một thời gian trung hoặc dài hạn. Nếu không, người ta đầu cơ chứ không đầu tư.

Có thể nói 3 - 4 năm qua, lạm phát Việt Nam đã giảm đi rõ rệt. Năm nay dự báo lạm phát chưa đến 3%. Trong vài năm tới, theo kế hoạch, mục tiêu lạm phát của Việt Nam ở quanh con số 5%.

Về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, dù rằng khi kinh tế phục hồi trở lại, có thể có thâm hụt, nhưng nhìn tổng thể, ít làm thay đổi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, thậm chí dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn tăng. Đây cũng là cơ sở góp phần ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam bên cạnh sự linh hoạt cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu.

Tín hiệu tốt thứ 2 là nguồn lực dân số.

Ngoài việc dân số trẻ, lao động Việt Nam còn có mức giáo dục đào tạo tương đương hoặc cao hơn các nước có cùng trình độ phát triển và cùng thu nhập. Nhờ tinh thần học hỏi và độ linh hoạt, nên người Việt học hỏi rất nhanh.

Theo nhiều nghiên cứu, công nhân Việt Nam thường tiếp thu rất nhanh. Với một chế độ khuyến khích tốt, một chế độ làm việc hợp lý, tinh thần kỷ luật của người Việt cũng sẽ được nâng lên nhiều.

Tín hiệu tốt thứ 3, nhân tố quan trọng nhất và được nói đến nhiều nhất, là môi trường kinh doanh và cải cách thể chế.

Đó là Nghị quyết 19 mà trong đó, tinh thần Việt Nam trong một thời gian khá ngắn, khoảng 2 năm, phải đạt được mục tiêu trung bình về ứng xử cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp tương đương với 4 nước tốt nhất của ASEAN như về số giờ đóng thuế, thời gian thông quan... Trên thực tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển dịch nhất định. Chúng ta mong rằng sự chuyển dịch này sẽ lan tỏa nhanh hơn và doanh nghiệp cảm nhận được tốt hơn.

Cuối cùng, cái chúng ta cũng nói nhiều trong thời gian gần đây là vấn đề mở cửa hội nhập.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đàm phán liên quan đến rất nhiều đối tác lớn – những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam liên quan đến công nghệ đầu tư, kỹ năng quản lý... Đây không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường, mở mang sản xuất mà còn là cơ hội thu hút đầu tư, học hỏi trong quản trị, kinh doanh.

* Có vẻ cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Vậy đâu là những thách thức của Việt Nam trong hội nhập, nhất là với hiệp định có chất lượng cao như TPP?

TPP là cơ hội mở cửa, nhưng nó cũng có những đòi hỏi ngặt nghèo. Không chỉ là nguyên tắc xuất xứ mà còn những tiêu chuẩn về lao động, môi trường, các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật, vệ sinh, an toàn...

Nhưng theo tôi, những khắt khe của TPP như nguyên tắc xuất xứ với dệt may là từ sợi trở đi, với một ngành dệt chưa phát triển của chúng ta, trong ngắn hạn, có thể có những tác động chưa thuận bởi chưa thể tận dụng ngay cơ hội tiếp cận thị trường nhờ giảm thuế, thế nhưng nhìn về trung và dài hạn, tôi đánh giá cái khắt khe ấy lại là một tín hiệu hết sức tích cực.

Nếu anh làm ăn dễ dãi, anh chưa cần phải đầu tư nhiều. Nhưng với cái khắt khe này anh phải đầu tư. Không phải ngẫu nhiên khi nói đến TPP, chúng ta quan tâm hơn tới ngành dệt. Nhờ vậy, năng lực của anh, giá trị gia tăng của anh tạo nên trên đất nước này mới gia tăng hơn, giá trị gia tăng tạo ra bởi doanh nghiệp Việt cao hơn.

Thứ nữa, những đòi hỏi khắt khe hơn ấy với trung và dài hạn là tốt. Chúng tôi đã nghiên cứu trước đây, rất nhiều tiêu chuẩn áp vào khi thực hiện FTA với Hoa Kỳ và WTO thì sau 1 thời gian (3 - 5 năm), tất cả các doanh nghiệp đều đánh giá tích cực, dù thời gian ban đầu khó khăn. Vì sao? Bởi anh phải áp đặt những tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Nhìn theo nghĩa chuẩn nhất, đó là nhân tố rất quan trọng dể tiếp cận thị trường thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tất nhiên, thách thức trong ngắn hạn có thể là vấn đề ai tranh thủ thời cơ tốt hơn ai, nhà đầu tư nước ngoài hay ta, hay vượt qua khó trong ngắn hạn cũng là một vấn đề. Nhưng về trung và dài hạn, tôi nghĩ đây là tác động rất tích cực đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

* Với những doanh nghiệp lớn, khả năng đầu tư và mở rộng dễ nhìn thấy. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì phải hội nhập thế nào?

Có một câu chuyện lý thú về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo điều tra của McKinsey, 70 - 80% doanh nghiệp lớn không những nhận thức rất đầy đủ về AEC mà còn có chiến lược rất cụ thể, bài bản để tận dụng cơ hội đó.

Trong khi đó, điều tra tại Việt Nam, số doanh nghiệp Việt hiểu biết (chưa nói đến đưa vào được trong chiến lược của công ty) chỉ ở khoảng 30 - 35%. Trong số những doanh nghiệp hiểu biết ấy, phần lớn lại rơi vào doanh nghiệp lớn. Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi doanh nghiêp nhỏ nguồn lực còn hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu của họ trước mắt chưa nhìn thấy cơ hội.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến thông tin, bên cạnh nhận thức của doanh nghiệp cần nâng lên, chúng ta phải tin vào sức mạnh của thị trường.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giờ cơ hội cho họ rất lớn. Bên cạnh các ngành nghề Việt Nam có lợi thế trong hội nhập như một số mặt hàng công nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào những ngành còn đòi hỏi nhiều lao động, hoặc các cơ hội cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp đang làm việc tại Việt Nam.

Vấn đề ở đây là môi trường rất cạnh tranh, nhưng anh phải học kết nối. Cơ hội này không chỉ là cơ hội thị trường mà còn là cơ hội kết nối với những doanh nghiệp tiên phong, những doanh nghiệp lớn.

Kết nối ở đây anh có thể là công nghiệp hỗ trợ, có thể cung cấp dịch vụ cho họ, sản xuất mặt hàng nào đó trong một phần sản phẩn của họ... Rất nhiều dịch vụ anh có thể cung cấp như logistic, quảng cáo, thực phẩm, thức ăn, nhưng cái quan trọng hơn là kết nối và học hỏi. Bởi chơi với "người lớn" mình học được rất nhiều.

Chúng ta nhìn những hiệp định thương mại tự do không chỉ là câu chuyện thị trường, câu chuyện thu hút FDI, mà là câu chuyện cơ hội để chúng ta tiếp cận với những cái tốt nhất về công nghiệp, kỹ năng quản lý.

Khi xây dựng cách làm việc, bên cạnh các mục tiêu trước mắt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải rất quan tâm đến việc leo dần lên chuỗi giá trị, mạng sản xuất, để mình không phải là vệ tinh thứ 3, 4, 5, mà phải là vệ tinh thứ 2, rồi tiến lên thứ 1 của các doanh nghiệp nước ngoài lớn. Khi giá trị gia tăng của mình tốt hơn, vị thế mặc cả của mình cũng sẽ tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM