TS Lê Xuân Nghĩa: '20 năm nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn nằm trong bệnh viện'

02/08/2014 09:15 AM |

Hệ thống Ngân hàng Việt Nam vẫn cứ từ phòng cấp cứu chuyển sang phòng điều trị, rồi lại quay lại phòng cấp cứu trong tình trạng nặng hơn.

Chiều ngày 01/08/2014, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tổ chức hội thảo “Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2 quý đầu năm 2014” với sự tham gia của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa.

GDP tăng trưởng 5,8% nằm trong tầm tay?

Tại hội thảo, đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm nay, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi tương đối tốt. 

Cụ thể, GDP tăng trưởng liên tục từ quý 3/2013 đến nay và theo dự báo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP quý 3/2014 có thể xấp xỉ 6%, quý 4/2014 có thể đạt gần 6,5%. Như vậy, GDP cả năm 2014 có khả năng đạt con số 5,7 – 5,8%.

Ngoại trừ tháng 1/2014 do yếu tố mùa vụ, chỉ số phát triển sản xuất (IIP) chung cũng như của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng kể từ tháng 7/2013, cùng với chỉ số PMI do HSBC xây dựng liên tục trên 50 điểm kể từ tháng 9/2013 cho thấy hoạt động sản xuất đã liên tục cải thiện từ quý 3/2013.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cũng nhận xét, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong 7 tháng đầu năm 2014 luôn tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013. Chỉ số CCI (đo mức độ lạc quan của người tiêu dùng) trong tháng 6 cải thiện đáng kể so với đầu năm, sau khi bị sụt giảm trong tháng 5 do tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Điều này nói theo cách khác là người dân tiêu dùng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, dẫn dữ liệu từ Eurocham với chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam liên tục cải thiện từ Quý 4/2013, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư đã lạc quan hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, dấu hiệu lạc quan nhất của nền kinh tế phải là “khẩu dụ” của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: ngành nông nghiệp đạt kế hoạch tăng trưởng 3%; công nghiệp có 2 lĩnh vực gồm khai thác dầu khí tăng 1 triệu tấn, than tăng 500.000 tấn; công nghiệp chế biến chế tạo tăng; cộng thêm việc nhanh chóng phục hồi ngành du lịch.

“Thủ tướng Chính phủ nói, làm được những điều đó là trong tầm tay. Và GDP có thể đạt 5,8% như kế hoạch” – tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Tiếp tục đánh giá về tình hình vĩ mô, theo chuyên gia, chỉ số lạm phát đang đi xuống một cách không đáng mừng. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp phục hồi có thể là yếu tố giúp cho lạm phát “xuống chậm trong chừng mực nhất định”. Lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm thêm 1%.

Nhưng, rủi ro lớn nhất cho đến bây giờ vẫn là hệ thống ngân hàng.

20 năm ngành ngân hàng vẫn nằm trong bệnh viện

Theo ông Nghĩa, nợ xấu hiện tại mới đang được xử lý rất “rón rén”. VAMC với quyền lực thấp (mà chuyên gia đánh giá là còn kém hơn cả NHTM), tiền mặt không có nên không thể biến những khoản “nợ rắc rối” thành “nợ không rắc rối”.

Thêm vào đó, trong việc bán nợ, VAMC không có đủ quyền để xác lập và chuyển quyền sở hữu cho người mua nợ. Chia sẻ câu chuyện về một nhà đầu tư nước ngoài từng có ý định mua nợ xấu từ VAMC, ông Nghĩa cho hay, đối với nhà đầu tư này, 10.000 tỷ để mua nợ xấu không phải là vấn đề lớn.

“Chỉ cần 3 deal là xong”.

Thế nhưng điều quan trọng là sau khi mua nợ, VAMC có thể hoàn thành đầy đủ các giấy tờ thủ tục xác nhận và chuyển quyền sở hữu các khoản nợ xấu này cho bên mua trong vòng 1 tuần được không? Câu trả lời là không, phải lâu hơn thế rất nhiều.

Kết luận lại, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói, sau mỗi nhiệm kỳ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam vẫn cứ từ phòng cấp cứu chuyển sang phòng điều trị, rồi lại quay lại phòng cấp cứu trong tình trạng nặng hơn. 20 năm nay vẫn chưa ra khỏi bệnh viện. Đó là rủi ro lớn nhất trong dài hạn mà NĐT nước ngoài đã nhận ra và e ngại.

Vì vậy, chuyên gia kiến nghị sắp tới phải tăng thêm cho VAMC quyền xử lý nợ, đẩy nhanh tiến trình thủ tục về đất đai và chuyển nhượng tài sản. Có như vậy, việc xử lý nợ xấu mới có lối thoát.

>> Phó thống đốc: NHNN đảm bảo hoạt động của Ngân hàng Xây dựng được an toàn 

Theo Hải Minh

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM