Trung Quốc lập AIIB lôi kéo cả thế giới, Mỹ bị 'bỏ rơi'?

08/04/2015 09:55 AM |

Sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã khiến Mỹ lo sợ mất đi vị trí số 1 thế giới và Bắc Kinh sẽ dùng AIIB để tăng cường "quyền lực mềm" ở châu Á.

Nội dung nổi bật:

- Chính quyền Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn tỏ ra nghi ngờ các chuẩn mực quản trị của tổ chức này và coi AIIB là công cụ để Trung Quốc mở rộng "quyền lực mềm".

- Trong khi đó, với AIIB Trung Quốc lại cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhận nguồn tài chính hỗ trợ.


Tạp chí National Interest nhận định, thay vì coi sự trỗi dậy của các nước đang phát triển là mối đe dọa tới vị trí số 1 trên thế giới, Mỹ nên coi đây là cơ hội để tái khẳng định vị thế lãnh đạo của mình bằng cách thay đổi quan điểm để chấp nhận một trật tự thế giới mới.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Indonesia hồi tháng 5/1998, người dân nước này đã xuống đường biểu tình và yêu cầu chính phủ có những biện pháp hạ giá thành nhiều mặt hàng trên thị trường.

Ngay lập tức, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ra tay cứu giúp nền kinh tế Indonesia thoát khỏi cảnh phá sản. Tuy nhiên, IMF đã yêu cầu chính phủ Indonesia thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm phần lớn chi tiêu chính phủ và thắt chặt chính sách tiền tệ. Đáng nói, mặc dù vào thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Indonesia ở mức rất cao nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và thực phẩm lại tăng một cách chóng mặt.

Tình cảnh tượng tự cũng đã xảy ra ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Âu. Điều đó cho thấy các chính sách cứu trợ cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 của IMF, đã gặp thất bại và khiến nền kinh tế khu vực này thêm phần tụt dốc.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB), một trụ cột khác trong chính sách kinh tế toàn cầu do phương Tây dẫn dắt, lại thường đưa ra điều kiện đối với những dự án phát triển bao gồm việc sửa đổi thể chế pháp lý cũng như tự do bầu cử. Ngay cả những nhà quản lý ngân hàng của WB cũng luôn đặt ra mục tiêu phát tập trung vào cải cách nền dân chủ, quy định pháp luật và xây dựng những chính quyền hoạt động theo kiểu phương Tây.

Song, mục tiêu mà các quốc gia đang phát triển hướng tới lại là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mong muốn này tương tự như cấu trúc phát triển của các tổ chức do Trung Quốc khởi xướng như AIIB, ngân hàng BRICS, và chương trình trao đổi mang tên "Con đường Tơ lụa". Ngay cả những nền kinh tế phát triển như Anh, pháp, Đức và Italy cũng tuyên bố gia nhập AIIB, nhằm giúp khu vực châu Á xây dựng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1 ngàn tỷ USD.

Nhưng, Mỹ lại coi AIIB là thứ vũ khí giúp Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực châu Á. Thậm chí, Washingtin còn tạo áp lực với các đồng minh như Australia và Hàn Quốc để họ không tham gia vào AIIB.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn tỏ ra nghi ngờ các chuẩn mực quản trị của tổ chức này và coi AIIB là công cụ để Trung Quốc mở rộng "quyền lực mềm". Mỹ cũng còn thúc giục các quốc gia cân nhắc về quyết định gia nhập AIIB bởi AIIB có thể sẽ trở thành đối thủ của WB hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, việc các nước ký tên tham gia AIIB mới chỉ mang tính biểu tượng. Bởi AIIB được thành lập với nguồn vốn khoảng 50 tỷ USD và chưa xây dựng khuôn khổ điều hành. Mặc dù, 35 quốc gia đã ký tên tham  gia AIIB nhưng chưa có gì đảm bảo cho những khoản đầu tư ngắn hạn trong thời gian tới. Nhưng điều chắc chắn, việc Trung Quốc nắm giữ vị trí dẫn dắt AIIB sẽ tốt hơn bất cứ đối tác nào của Washington ở châu Á.

Vì sao các nước bớt "mặn mà" với WB, IMF?

Khác với WB và IMF, Trung Quốc cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhận nguồn tài chính hỗ trợ. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với chính sách đối ngoại của phương Tây. Lý do quan trọng khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia khác phải "nể phục".

IMF luôn đặt ra những điều kiện cải cách đối với các nước nhận hỗ trợ.

Sau nhiều lần thất bại trong việc triển khai các chính sách kinh tế trên toàn cầu, IMF và WB đã có hành động thay đổi chính sách khi cho phép các quốc gia đang phát triển nhận khoản hỗ trợ kéo dài thời gian tiến hành cải cách. Song, hai tổ chức này vẫn không giấu giếm ý định biến các nước nhận nguồn hỗ trợ thành một nền kinh tế thị trường, tôn trọng giá trị xã hội và thể chế tương tự như các nước công nghiệp ở phương Tây.

Tuy nhiên, với tâm lý chung tỏ ra thất vọng trước tính thiếu quyết đoán của IMF và WB, điều dễ hiểu lý giải vì sao các nước đang phát triển đã nhanh chóng đi tìm nguồn tài trợ khác.

Về phía mình, Mỹ lại có những phản ứng chậm chạp trước sự hình thành và mở rộng hoạt động của AIIB, cũng như thất bại trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hồi cuối tháng Ba, ông Nathan Sheets, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, đã buộc phải đưa ra tuyên bố mang tính "cứu vãn tình thế" rằng Washington sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án phát triển với AIIB. Và IMF cũng như WB đều có quan điểm tương tự. Theo ông Sheets, sự tham dự của Mỹ, IMF và WB sẽ giúp AIIB đạt được những tiêu chuẩn trong quản ký, môi trường đầu tư và độ minh bạch tương tự như các định chế tài chính toàn cầu hiện nay.

Còn theo National Interest, để duy trì vị thế thống trị toàn cầu và tránh nguy cơ bị Trung Quốc soái ngôi, Mỹ cần làm 2 việc. Thứ nhất, Washington cần hiểu rằng các quốc gia nằm trong trật tự thế giới mới hình thành, không còn tin vào những nỗ lực phát triển nhằm mở rộng giá trị kinh tế và chính trị của phương Tây. Thứ hai, Mỹ cần mở rộng nhận thức về giá trị lãnh đạo trên thế giới của mình trước các nước.

Do đó, Mỹ cần tập trung vào việc hiện thực hóa những cam kết trong Hội nghị Bretton-Woods, nơi đã cho ra đời IMF và WB. Nói cách khác, Mỹ nên sử dụng hai định chế tài chính toàn cầu này như là công cụ để điều phối chính sách kinh tế.

Quan trọng hơn, vai trò của IMF và WB cần chuyển từ việc yêu cầu các nước nhận hỗ trợ thực hiện những chính sách mà họ đề ra để chuyển sang xây dựng sự đồng lòng phát triển với những quốc gia nhận tài trợ. Còn Mỹ cần triệt tiến hành cải cách, một trong những vấn đề hiện đang bị ngưng trệ tại Quốc hội nước này, để tăng nguồn quỹ cho các tổ chức và tạo thêm tiếng nói cho những quốc gia đang phát triển. Nói cách khác, Mỹ cần tận dụng vị trí độc tôn của mình để dễ dàng hợp tác với các nước khác trong một trật tự kinh tế đa cực.

>> AIIB và trật tự kinh tế thế giới mới

Theo Minh Thu

Cùng chuyên mục
XEM