Trung Quốc có thể 'xuất khẩu khủng hoảng' sang Việt Nam

24/01/2016 13:04 PM |

Với tín hiệu khá rõ về sự giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.

Cần dè chừng Trung Quốc

“Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rủi ro từ những biến động lớn trên thế giới, đặc biệt là việc giảm tốc và rủi ro bất ổn từ nền kinh tế Trung Quốc”, báo cáo Triển vọng kinh tế 2016 của Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) mới công bố cho biết.

“Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn nên sẽ khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới”.

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vẫn đang có xu hướng tăng.

Trong năm 2015, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 49,3 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 12,9% so với năm 2014. Trong khi đó về xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 4 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, tăng mạnh 13,8% so với 2014.

Với tín hiệu khá rõ về sự giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam”, VCBS nhận định.

“Vấn đề Trung Quốc được nhìn nhận là yếu tố đáng kể tác động xấu đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 và tạo ra thách thức trong việc điều hành chính sách. Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rủi ro từ phía Trung Quốc là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong 2016”.

Triển vọng 2016: Chưa nhìn thấy động lực mới cho tăng trưởng ngoài FDI

Các chỉ báo trong năm 2015 khẳng định một quá trình tăng trưởng đã được hình thành. Động lực chính cho tăng trưởng đến từ các doanh nghiệp FDI, trong khi đó cầu đầu tư nội địa và cầu tiêu dùng cũng đã có những tín hiệu phục hồi nhất định nhưng chưa bứt phá.

Trong năm 2016, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra và được đẩy mạnh với các trọng tâm là hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, được nhìn nhận là cú hích cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Việc hiện thực hóa tác động tích cực từ các hiệp định thương mại cần một thời gian tương đối dài và nhiều khả năng sẽ chưa thể hiện một cách rõ ràng trong năm 2016. Chúng tôi cho rằng, xuất khẩu với sức kéo chủ yếu từ khối FDI được kỳ vọng là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài yếu tố này, hiện tại vẫn chưa nhìn thấy động lực mới cho tăng trưởng”, VCBS bình luận.

Ở chiều ngược lại, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước thử thách lớn do ảnh hưởng từ khả năng biến động mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Thêm vào đó, với triển vọng giá dầu thô thế giới ở mức tiêu cực, bài toán cân đối thu chi ngân sách sẽ không dễ để có lời giải hợp lý và việc tiếp tục đẩy mạnh ngành Khai khoáng như trong năm 2015, theo VCBS, không phải biện pháp tối ưu.

Với phân tích trên, VCBS đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn 2015 và đạt khoảng 6,3% - 6,4%.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM