Toyota ra điều kiện "tỷ đô" để ở lại VN: Bộ Công thương nói gì?

28/04/2015 09:11 AM |

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, ý kiến của Toyota đưa ra với chính phủ Việt Nam là những kiến nghị về chính sách, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Ngày 27/4, Vietnamnet đưa tin, trong một cuộc họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Kinh tế Thương mại và công nghiệp Nhật Bản mới đây, Toyota đã đệ trình Chính phủ Việt Nam 2 kịch bản “đi hay ở” với một loạt gói hỗ trợ để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.

Cụ thể, Toyota đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD; giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Nêu quan điểm của Bộ Công thương về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 27/4, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đó mới là thông tin trong một cuộc họp.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, ý kiến của Toyota đưa ra với chính phủ Việt Nam là những kiến nghị về chính sách, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Trong đó có những nội dung cụ thể về thuế nhập khẩu (chênh lệch giữa sản xuất nội địa so với nhập khẩu bên ngoài), thuế tiêu thụ đặc biệt, chính sách ưu đãi đối với các dự án của nhà đầu tư có quy mô, hiệu quả.

Đồng thời, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, tại buổi tọa đàm về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra trước buổi họp báo, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta cũng đưa ra một số kiến nghị về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô.

“Không có cơ sở nào để nói Toyota sẽ dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu ô tô ở Việt Nam. Cũng chưa có cơ sở nào để Toyota yêu cầu Chính phủ Việt Nam bù lỗ hay trợ giá sản xuất ô tô. Đề xuất của các nhà sản xuất như Toyota là những kiến nghị để Chính phủ Việt Nam xem xét, tạo điều kiện ưu đãi khuyến khích các nhà sản xuất tại Việt Nam” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trong khi đó, liên quan đến thuế, ưu đãi thuế có những yếu tố cần xem xét về cơ chế thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ kết hợp với Bộ Tài chính để ban hành những chính sách hỗ trợ tối đa cho phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Cũng chia sẻ tại buổi hội thảo về chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, Toyota không chơi xấu, không bỏ cuộc, mà vấn đề đơn giản ở đây chỉ là có nên làm hay không.

“Ở đây, thị trường sẽ quyết định tất cả. Với thị trường hơn 90 triệu dân, mà sắp tới có thể lên tới 100 triệu dân như Việt Nam thì tôi tin chắc, sẽ không nhà sản xuất nào bỏ cuộc” – ông Long nói.

>> Toyota ra điều kiện: Đòi 2 tỷ USD để ở lại Việt Nam?

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM