Tổng Thư ký Korcham vạch ra “tử huyệt” trong cạnh tranh nông sản của VN

21/05/2015 12:11 PM |

Trong khi Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông sản, nhưng vẫn chưa có một chợ đầu mối đẳng cấp. Đại diện Hàn Quốc cho rằng Việt Nam chỉ có chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối phía Nam... mà chưa có một nơi nông dân bán trực tiếp cho người tiêu dùng với xuất xứ rõ ràng, cắt giảm chi phí trung gian hiện đang rất cao ở Việt Nam.

Nội dung nổi bật:

- Trong khi chi phí logistics cho mặt hàng nông sản ở Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 10%, thì chi phí này vớinông sản Việt Nam đang ở mức 20%

- Việt Nam chưa có một chợ đầu mối đẳng cấp – nơi tập trung toàn bộ nông sản của một vùng với xuất xứ rõ ràng, nơi nông dân bán các mặt hàng có chất lượng đảm bảo trực tiếp tới người tiêu dùng giúp giảm thiểu các chi phí trung gian

- “Chúng tôi có các chợ trung tâm đầu mối, cũng có kho lạnh, có thể bảo quản quanh năm. Khi nông sản dư cung, chúng tôi có thể bảo quản trong kho lạnh, qua đó điều tiết được giá bán ra trên thị trường. Đấy là 1 yếu tố bất lợi trong cạnh tranh nông lâm thủy sản đối với Việt Nam”.


Trong khi chi phí logistics cho mặt hàng nông sản ở Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 10%, thì chi phí này với nông sản Việt Nam đang ở mức 20% - khá cao so với mức trung bình, ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết bên lề Hội thảo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc: Nội dung cam kết – Tác động tới doanh nghiệp Việt Nam sáng 21/5.

Ông Hongsun cho rằng Việt Nam chưa có một chợ đầu mối đẳng cấp - nơi tập trung toàn bộ nông sản của một vùng với xuất xứ rõ ràng - mô hình chợ đầu mối hiện đại đang hiện diện ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Hongsun cho biết, Hàn Quốc đã xây một trung tâm chợ đầu mối lớn nhất vào năm 1995. Đây là nơi thực hiện đấu giá nông sản hàng ngày, hỗ trợ cho cả nông dân và người tiêu dùng khi nông dân được bán trực tiếp nên có thể bán được giá tốt, còn người tiêu dùng không mất phí trung gian.

“Khi có một trung tâm giao dịch đầu mối có quy mô, đẳng cấp, chúng ta sẽ phát triển được hệ thống tiêu thụ nông sản”, ông Hongsun nói. “Chúng tôi cũng có kho lạnh, có thể bảo quản quanh năm. Khi nông sản dư cung, chúng tôi có thể bảo quản trong kho lạnh, qua đó điều tiết được giá bán ra trên thị trường. Đấy là 1 yếu tố bất lợi trong cạnh tranh nông lầm thủy sản đối với Việt Nam”.

Theo cam kết VKFTA, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012 – thời điểm bắt đầu đàm phán), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Đối với mặt hàng tôm chẳng hạn, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm, đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế trong năm thứ 6.

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (cũng tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện...

Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.

FTA Việt Nam-Hàn Quốc: Có đánh đố doanh nghiệp Việt khi chỉ có toàn văn bằng tiếng Anh, tiếng Hàn?

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã được ký kết vào ngày 5/5. Trong khi phía Hàn Quốc đã tiếp cận được được từ khi hiệp định này được ký tắt, bằng tiếng Hàn, còn phía Việt Nam, một phiên bản toàn văn tiếng Việt vẫn chưa có và chưa biết ngày nào sẽ được phổ biến.

“Doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới Hiệp định thương mại tự do này. Trước khi ký kết chính thức, với các tập đoàn lớn, họ có riêng một bộ phận để nghiên cứu về hiệu quả của Hiệp định và chuẩn bị cho Hiệp định đó. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc rất nỗ lực để quảng bá và truyền đạt lại hiệu quả của hiệp đinh này” – ông Hongsun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết.

Một điểm lợi của doanh nghiệp Hàn Quốc, là ngay khi hiệp định VKFTA được ký tắt, một bản ký tắt đã được chia sẻ trên Internet để phổ biến cho các doanh nghiệp và người dân Hàn Quốc nắm được sơ bộ và có sự chuẩn bị cho Hiệp định này.

“Khi Hiệp định được ký chính thức, toàn văn Hiệp định mới có văn bản bằng tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc”, ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương – chia sẻ.

Còn văn bản tiếng Việt của Hiệp định này, ông Tuyên cho rằng sẽ báo cáo lên Bộ Công thương và sẽ cho đăng tải toàn văn tiếng Việt trong thời gian sớm nhất. Trả lời câu hỏi văn bản tiếng Việt sẽ được công bố sớm nhất là cụ thể vào thời gian nào, ông Tuyên cho rằng văn bản đó vẫn đang trong quá trình được phê chuẩn.

Chia sẻ bên lề hội thảo, đại diện của một doanh nghiệp cho biết, phía Hàn Quốc thậm chí đang soạn một bộ tài liệu có thể nói là "sách giáo khoa" về VKFTA, và có một bộ phận riêng hỗ trợ giải đáp thắc mắc do doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, Việt Nam có tới hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn chưa biết khi nào tiếp cận được văn bản Hiệp định bằng thứ tiếng phổ thông, chứ chưa nói đến tận dụng cơ hội của Hiệp định này.

>> Xuất khẩu rau quả: Thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ cộng lại không bằng số lẻ của Trung Quốc

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM