Tổng rà soát phát hiện "điểm mù" móc trộm hành lý sân bay

16/06/2015 09:56 AM |

Phát hiện“lỗ hổng”, “điểm mù” tạo điều kiện cho kẻ xấu móc trộm hành lý ký gửi của hành khách tại sân bay.

Nội dung nổi bật:

- Tại VN, theo Cục Hàng không VN, trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản. Từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.\

- Thực tế có khá nhiều hành lý từ nước ngoài về có dấu hiệu bất thường ngay từ khi hầm hàng được mở ra. Không loại trừ khả năng hành lý đã bị can thiệp từ sân bay trước.

- Có một thực tế là các hãng hàng không vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thường có xu hướng giấu các vụ mất cắp, móc trộm hành lý của hành khách, nếu có thể bồi thường hoặc thỏa hiệp với hành khách.


Dây chuyền phục vụ hành lý tại các sân bay từ khâu làm thủ tục, soi chiếu, xếp dỡ trong đảo hành lý đến khi đưa lên máy bay đang được các cơ quan chức năng rà soát chặt chẽ nhằm phát hiện“lỗ hổng”, “điểm mù” tạo điều kiện cho kẻ xấu móc trộm hành lý ký gửi của hành khách.

Có hay không, nhân viên móc nối để trộm hành lý?

Câu hỏi này được chính Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương đặt ra khi đi kiểm tra các công đoạn vận chuyển hành lý lên, xuống máy bay tại ba sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Cần phải nhấn mạnh rằng, các vụ mất cắp hành lý tại các sân bay không phải là chuyện bây giờ mới nói, cũng không phải chuyện riêng có ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hành lý vẫn cứ bị móc trộm, bất chấp những quy trình kiểm soát của cảng hàng không, lực lượng an ninh hàng không, các công ty dịch vụ mặt đất cũng như cảng vụ hàng không

Theo thống kê, bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 triệu kiện hành lý bị thất lạc, đến muộn (trung bình sau 31 giờ) hoặc mất mát hành lý trong quá trình di chuyển bằng máy bay, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Riêng ở Mỹ, xác suất thất lạc, đến muộn hành lý lên tới 10%. Một trong các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này là hành khách không nên để các vật dụng, đồ dùng có giá trị cao trong hành lý ký gửi.

Tại VN, theo Cục Hàng không VN, trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản. Từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.

Theo chân đoàn kiểm tra tại ba sân bay ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, các công ty dịch vụ mặt đất, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc vận chuyển hành lý đều khẳng định “quy trình, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa đều rất chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hàng trăm camera hoạt động liên tục đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sơ hở nào.

Thậm chí, quần áo của nhân viên làm việc trong kho hàng cũng không được may túi, điện thoại không được dùng, tất cả người và phương tiện chỉ đi qua một cửa kiểm soát duy nhất”. Câu hỏi đặt ra, nếu quy trình tốt như thế, chặt chẽ như thế, sao hành lý vẫn mất? Nghi vấn móc nối giữa các nhân viên hàng không cũng được đặt ra từ đây.

Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài cho rằng, các vụ mất cắp xảy ra trong khu vực hạn chế, không có đối tượng nào bên ngoài, mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển.

Cũng như vậy, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài nói: “Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện nhân viên soi chiếu vi phạm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc móc nối giữa các nhân viên với nhau, các bộ phận với nhau”.

Đồng quan điểm, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương nhấn mạnh: “Quy trình rất chặt chẽ thì chỉ còn con người, do con người mà thôi. Cũng theo ông Phương, tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên tàu bay, trong khu vực xử lý hàng hóa, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay thì chắc chắn có sự tiếp tay trong nội bộ nhân viên”.

Nghi ngờ này của ông Phương được khẳng định bởi tiết lộ của ông Trần Văn Hiệp, Phó Giám đốc Jetstar miền Bắc. Cụ thể, ông Hiệp cho biết từng phát hiện hai vụ mất trộm đồ ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài khi nhân viên của Hãng cấu kết với nhân viên bốc xếp lấy đồ của khách.

81

Bốc xếp hành lý tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh: Thanh Bình

Nhiều hành lý “bất thường” trước khi về đến Việt Nam

Sau ba ngày “lăn lóc” cùng hầm hàng, đảo hành lý, hầm máy bay, có một thực tế mà PV Báo Giao thông đã tận mắt chứng kiến là việc khá nhiều hành lý từ nước ngoài về có dấu hiệu bất thường ngay từ khi hầm hàng được mở ra.

Điều này cũng có nghĩa rằng, không loại trừ việc hành lý được báo “bất thường” như hỏng khóa, bị rạch… thậm chí bị mất đồ tại sân bay của Việt Nam nhưng thực tế đã bị “can thiệp” từ sân bay nước ngoài trước đó.

Như trường hợp hành khách Trần Thị Tuyết bay từ Mỹ về Việt Nam. Tại đảo hành lý Nội Bài, nữ hành khách này phát hiện hành lý của mình có bất thường (mất dây chằng và bật khóa).

Trùng hợp là chính đoàn kiểm tra của Cục Hàng không VN và các phóng viên trước đó đã phát hiện sự việc khi kiểm tra ngay khi hầm hàng tàu bay được mở ra, điều này có nghĩa là nếu hành lý của hành khách này bị móc trộm thì cũng là ở sân bay trước đó. Được biết, hành khách có transit qua Hàn Quốc.

Tại Tân Sơn Nhất, ngày hôm sau, chúng tôi tình cờ phát hiện một hành khách người Việt khác cũng từ Mỹ về cho biết, thùng hàng của bà đã quá cảnh qua Nga, Singapore, bị bung dây đai, có dấu hiệu bị mở và mất một gói thịt.

Sau khi kiểm tra, an ninh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, thùng hàng đã được Tổ chức quản lý an ninh vận chuyển Hoa Kỳ (TSA) kiểm tra và dán tem niêm phong.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc cảng kiêm Giám đốc An ninh HK Tân Sơn Nhất cho hay, hồi cuối tháng 5, có một vị khách Việt kiều Mỹ khi nhận hành lý bị bung từ băng chuyền đã nổi cáu, chửi bới xúc phạm các nhân viên hàng không gây mất trật tự.

Đáng nói hơn, sau đó, va li được mở kiểm tra thì khách không bị mất đồ, trong hành lý có giấy xác nhận đã mở khóa kiểm tra của Cục An ninh giao thông Mỹ.

Hạn chế cách nào?

Liên quan đến các giải pháp hạn chế việc móc trộm hành lý tại sân bay, ông Cao Văn Thái, Trưởng ban An ninh an toàn Tổng công ty CHK VN (ACV) cho biết, nhiều giải pháp đã được đặt ra, tuy nhiên, hiện tượng mất cắp đã và vẫn đang tồn tại. “Các biện pháp đã được đặt ra, “mạch” bắt đúng rồi nhưng bốc thuốc chưa đủ mạnh để trị”, ông Thái nói.

Về vấn đề này, ông Chương cho rằng giải pháp gì đi chăng nữa, quan trọng là phải đồng bộ, từ quản lý nội bộ của các DN có liên quan trong dây chuyền phục vụ hành lý, trang thiết bị hỗ trợ đến hoạt động kiểm tra giám sát của cảng vụ. “Ba khâu này lỏng khâu nào đều có thể dẫn đến việc mất cắp hành lý của hành khách”, ông Chương nói và cho rằng, phải có sự phối kết hợp của các đơn vị trong và ngoài ngành.

“Mọi người đều biết quá trình sau khi hành lý được check in, lên đến tàu bay có sự tham gia của không phải chỉ cán bộ trong ngành hàng không mà còn có các đơn vị chức năng khác.

Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị như hải quan, công an cửa khẩu để cùng phối hợp phòng chống trên tinh thần hỗ trợ, giám sát lẫn nhau để thực hiện tốt nhất, đảm bảo hành lý của hành khách đi tàu bay được nguyên vẹn”, ông Chương khẳng định.

Có hiện tượng hãng hàng không “giấu nhẹm” vụ việc

Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không VN), có một thực tế là các hãng hàng không vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thường có xu hướng giấu các vụ mất cắp, móc trộm hành lý của hành khách, nếu có thể bồi thường hoặc thỏa hiệp với hành khách.

“Chúng ta đang trong một dây chuyền. Không có cớ gì chúng ta không mang vụ việc đó để gửi các cơ quan có trách nhiệm xác minh. Việc điều tra, xác minh, làm rõ ngoài việc giúp tăng khả năng truy tìm, thu hồi hành lý bị mất để trao trả cho hành khách, còn là tìm khiếm khuyết của quy trình, từ đó có biện pháp khắc phục, tránh tái diễn”, ông Hùng nói.

Theo Thanh Bình

Cùng chuyên mục
XEM