Tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỉ USD trong năm 2015

13/01/2016 14:29 PM |

Những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt nam hứa hẹn phá kỷ lục trong năm 2016, khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của mới được công bố, tổng giá trị những thương vụ M&A liên quan đến các công ty Việt đã tăng 40% trong năm 2015, đạt 4,3 tỷ USD, “đánh bại” kỷ lục 4,2 tỷ USD trước đó vào năm 2012. Theo Baker & McKenzie và Duane Morris LLP, việc mua bán và sáp nhập có thể tăng cao hơn nữa trong năm 2016 sau các ký kết mới về Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, bên cạnh đó các Luật đầu tư cũng đã được Chính phủ thông qua.

Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hút bởi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,7% trong năm 2016, đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong 9 năm qua cùng thị trường tiêu dùng trẻ với 60% người tiêu dùng dưới độ tuổi 35.

Điển hình như tháng 12 năm ngoái, nhà sản xuất bia lâu đời nhất của Thái Lan – Tập đoàn Boon Rawd Brewery đã quyết định đầu tư 1,1 tỷ USD vào Tập đoàn Masan Việt Nam. Hợp tác chiến lược này cho phép hai tập đoàn mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm đồ uống với thị trường trọng tâm là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia.

"Thị trường đang rất tốt cho những nhà đầu tư muốn đổ tiền vào Việt Nam", ông Fred Burke – Managing Partner của công ty Baker & McKenzie (Việt Nam), người tư vấn cho Tập đoàn Boon Rawd trong thương vụ với Masan cho biết. "M&A có thể còn lớn mạnh hơn nữa trong năm nay."

Vinamilk tái cơ cấu cổ phần

Những sửa đổi trong luật đầu tư trong vài tháng qua đã giúp quá trình mua bán các công ty nhanh hơn và minh bạch hơn. Một quy định sửa đổi được ban hành trong tháng 7 đã cắt giảm tới hai phần ba thời gian thời gian cấp phép đầu tư xuống còn 15 ngày.

Trong tháng 12, Việt Nam công bố 18 ngành công nghiệp cho phép vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có cả ngành tiêu dùng, bất động sản, vận tải, xây dựng và sản xuất. Trước đó, một nghị định được đưa ra hồi tháng 6 nói rằng những nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ cổ phần ở mức chi phối với các công ty niêm yết trên thị trường, bao gồm cả những công ty chứng khoán.

ANA Holdings Inc., hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản trong tuần qua vừa đồng ý mua 108 triệu USD cổ phần của Việt Nam Airlines. Chính phủ Việt Nam cũng cho biết thêm hồi tháng 3 năm ngoái, Tập đoàn ADP - Aeroports De Paris của Pháp cũng đang đặt vấn đề quan tâm đến việc mua một phần cổ phần của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Tháng 10 vừa qua, Nhà nước cho biết sẽ triển khai kế hoạch bán toàn bộ 45,1% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), với trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Chi tiêu tiêu dùng

"Chừng nào Chính phủ còn tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài, dòng vốn nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là trong năm 2016 và 2017", ông Ralf Matthaes, Giám đốc tư vấn quản lý của Infocus Mekong Research tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Số liệu từ Euromonitor International cho thấy những thương vụ mua bán này được gia tăng bởi sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam, nơi mà chi tiêu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng 47% trong vòng bốn năm 2015-2019. Sản lượng bia được dự báo sẽ tăng 33% trong giai đoạn này, đạt mức 4,8 tỷ lít, trong khi đó tiêu thụ cùng kỳ ở Thái Lan sẽ giảm.

Ông Oliver Massmann, Tổng giám đốc của Duane Morris Việt Nam nói, DN vẫn còn bị "tra tấn" bởi Hải quan và các Thủ tục thuế tại Việt Nam. Việc tiếp cận các khoản vay cũng rất khó khăn. Điều này cần được cải thiện tốt hơn trong những năm tới.

Hội nhập sâu

Fred Burke – Managing Partner của công ty Baker & McKenzie (Việt Nam) cho rằng, các công ty nước ngoài cũng cần chú trọng đến mục tiêu khi tiến hành M&A các công ty Việt Nam nhằm đảm bảo một hệ thống quản lý ổn định. Ông Chris Freund của Mekong Capital dự đoán rằng bất kỳ một biến chuyển tồi tệ nào từ nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể kéo vốn đầu tư nước ngoài khỏi một thị trường mới nổi như Việt Nam.

Theo ông Oliver Massmann, để phát triển hội nhập, Việt Nam cần phải thực hiện được cam kết của mình trong các hiệp định thương mại gần đây. Một tín hiệu đáng vui mừng khi thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc đã có hiệu lực vào cuối tháng 12 vừa qua, cùng với đó Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã thông qua một thỏa thuận thương mại tự do mới vào tháng trước.

Điều này thật sự thúc đẩy sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam, theo số liệu Chính phủ, năm ngoái giải ngân FDI đã tăng 17%, đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD.

"Việc Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới đã đưa ra những cơ hội mới cho hoạt động M&A," Massmann nói. "Và xu hướng này sẽ vẫn còn được tiếp tục."

Khánh Hòa

Cùng chuyên mục
XEM