“Tôi vừa nhận chức Bộ trưởng đã bị kiện”

10/12/2015 08:04 AM |

“Tôi vừa về nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính được mấy tháng thì nhận được đơn kiện của doanh nghiệp và được đăng trên báo về vụ 2 tàu hút bùn vay vốn ODA. Sau hai tuần tôi nhận được tờ trình về đơn kiện của doanh nghiệp đó, có nghĩa là khi đang chuẩn bị kiện thì họ đã cho lên mặt báo để đánh chặn trước”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kể lại.

Đây là câu chuyện mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kể khi tham dự “Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015” của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá đây là vụ kiện rất khó khăn liên quan đến quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp đã tồn tại từ rất lâu mà đời Bộ trưởng trước chưa giải quyết được vì khó khăn.

Nhưng mục đích câu chuyện này của Phó Thủ tướng không phải để kể về khó khăn của việc cổ phần hóa mà nhằm mục đích biểu dương Bộ GTVT, mà người đứng đầu là Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã làm tốt công tác cổ phần hóa.

Bộ trưởng Thăng được khen nhờ thành tích cổ phần hóa

Kể lại câu chuyện đó để thấy quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DN có nhiều vướng mắc, đặc thù của mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp khác nhau. Trong khi chính sách ban hành của Chính phủ chỉ mang tính định hướng chung, còn cuộc sống thì rất đa dạng.

“Vậy nhưng Bộ GTVT rất tích cực trọng việc cổ phần hóa, có vướng mắc là bàn bạc và tìm giải pháp để tháo gỡ ngay. Một vấn đề cần phải rút kinh nghiệm đó là cần phải xử lý kịp thời những vướng mắc.

“Từ thực tiễn cổ phần hóa, rút ra điều quan trọng, đó là quá trình cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải đạt được kết quả này là quyết tâm chính trị của người đứng đầu, mà cụ thể là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng đã tích cực họp với các đơn vị có liên quan để tìm phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp cổ phần hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành cơ bản và có những chính sách, trong đó có những đề xuất, cơ chế của Bộ GTVT đã chuyển thành cơ chế chung, ví dụ như cơ chế bán vốn theo lô đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của việc bán vốn nhà nước. Đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối, bộ cũng đã cơ bản hoàn thành.

Điều quan trọng là sau cổ phần hóa những doanh nghiệp này đã nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, đã thể hiện rõ qua các chỉ tiêu như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận đều tăng, trong khi nợ phải trả đã giảm mạnh”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng khen quá trình cổ phần hóa 2 đơn vị sự nghiệp công đã hoàn thành và đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, đó là Bệnh viện Giao thông Vận tải trung ương và Bệnh viện Nam Thăng Long. “Bộ có đề xuất thêm 10 đơn vị sự nghiệp công lập nữa và Chính phủ đang xem xét cân nhắc sao cho quá trình cổ phần hóa đảm bảo yêu cầu”.

Điều mà Phó Thủ tướng ghi nhận kết quả cổ phần hóa ở 2 bệnh viện của Bộ GTVT đó là đã đảm bảo quyền lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Đây là vấn đề nhạy cảm vì ảnh hưởng rất lớn đến người dân. “Vì vậy, với 10 đơn vị sự nghiệp mà Bộ đề xuất lên Chính phủ sẽ cân nhắc phương án triển khai”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần có sơ kết việc thực hiện thí điểm chuyển thành công ty cổ phần trước khi làm rộng rãi ra các đơn vị khác. Phải chứng minh được hiệu quả rõ thì sẽ làm.

“Trên thực tế, 2 đơn vị sự nghiệp mà Bộ vừa cổ phần hóa thành công vẫn thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng 10 đơn vị sự nghiệp còn lại đều mang tính xã hội nên cần thận trọng. Cổ phần hóa hiệu quả thì cần làm, cá nhân tôi ủng hộ nhưng cần phải thận trọng. Bộ Giao thông Vận tải cần phải đánh giá đầy đủ quá trình cổ phần hóa 2 đơn vị sự nghiệp công lập vừa hoàn thành để rút ra bài học cho những lần cổ phần hóa sau”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Ngành đường sắt, SBIC xin cơ chế đặc thù

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kêu khó trong việc sắp xếp doanh nghiệp và thu gọn các đầu mối với nhân sự hàng chục nghìn người mỗi đơn vị.

“Về trường hợp nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty đường thủy, chủ nợ thuê cả đầu gấu đến đòi nợ trấn áp, lương công nhân 6,7 tháng không trả được, không có đất đai, máy móc hết hạn sử dụng, khó khăn rất nhiều”, ông Thành cho biết.

Tổng công ty đã dần khắc phục, tiền lương đã hoàn trả hết nợ, trả lương đúng hạn, toàn bộ thiết bị máy móc đã đại tu sửa chữa đi vào thi công, mua sắm nhiều thiết bị chuyên ngành, yếu tố quyết định để hoàn thành các công trình đường bộ, đường thủy là do có Bộ GTVT tham gia.

“Trước khi cổ phần hóa tôi đi đến đâu cũng bị đuổi vì làm ăn bê trễ, bùng nhùng, sau một thời gian, các dự án đã hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ, lương công nhân tăng 15%. Nhưng còn một số khó khăn sau cổ phần hóa như một số nhân sự vị trí mất quyền lợi, dao động đã ra đi. Đây là chuyện tất yếu nhưng cũng là khó khăn cho doanh nghiệp. Sau cổ phần có phát triển, có việc làm hay không, mong Bộ là đơn vị chủ quản tạo điều kiện”, ông Thành kiến nghị.

Ông Thành cũng kiến nghị, để hoàn thành tiến độ cổ phần của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, mong Chính phủ xem xét lượng bán cổ phần từ 75% xuống còn 51% vì còn liên quan nhiều đến quyền lợi của những người lao động trong tổng công ty.

“Tuy vậy, tôi sẽ đôn đốc công việc để dự kiện hoàn thành IPO trong tháng 12/2015 và chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần vào đầu năm 2016”, ông Thành hứa.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, cho biết đã hoàn thành tái cơ cấu 182 đơn vị, tương đương 73%, dự kiến hết 2015 hoàn thành 217/259 đơn vị, cơ bản hoàn thành tái cơ cấu, còn lại các đơn vị rất khó khăn sẽ tiếp tục trong 2016.

Về tái cơ cấu tài chính, SBIC đã cơ bản hàn thành nghĩa vụ khoản trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính đã vay về cho Tổng công ty vay lại là 1,023 tỷ USD, hoàn thành tái cơ cấu khoản vay quốc tế 600 triệu USD, hoàn thành tái cơ cấu khoản nợ các TCTD trong giai đoạn 1, đợt 1 giai đoạn 2 với khoảng 1 tỷ USD.

“Tổng công ty sẽ cổ phần hóa tất cả các đơn vị không giữ lại, do 8 đơn vị rất khó khăn về tài chính, âm vốn chủ sở hữu, muốn cổ phần hóa được phải xử lý vấn đề này”, ông Sự cho biết.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa. Những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa rồi nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư này.

“Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị tiên tiến để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu”. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT cần đốc thúc việc hoàn thành tái cơ cấu với một số đơn vị còn gặp khó khăn như SBIC, Vinalines.

Với SBIC, Phó Thủ tướng chỉ rõ có 2 yếu tố quan trọng là sản xuất thì phải cố gắng tìm nguồn hàng và sắp xếp lại lao động (giảm từ 64.000 xuống 5.000 lao động). “Hai bộ là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù cho SBIC”.

Theo MINH HUỆ

Cùng chuyên mục
XEM