Tổ hợp kinh tế: Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh

27/05/2015 09:22 AM |

Tham gia hoặc hình thành các tổ hợp kinh tế (cluster) là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Tổ hợp kinh tế là nơi tập trung về mặt địa lý của những công ty được nối kết với nhau, những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt, những ngành công nghiệp, những tổ chức có liên quan (hiệp hội thiết kế, công nghiệp, thương mại...), những tổ chức chính phủ và giáo dục trong một ngành nghề cụ thể. Những tổ chức này có mối quan hệ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau.

Lợi ích khi tham gia các tổ hợp

Lan tỏa: Lợi ích này có được khi những tổ chức kinh tế trong tổ hợp không thể hấp thu toàn bộ những kết quả từ việc đầu tư của họ, vì vậy một vài lợi ích này sẽ được các công ty khác (bao gồm cả đối thủ) trong cluster hấp thụ.

Bổ sung cho chiến lược marketing: Với tiếng tăm trong một lĩnh vực nào đó, một cluster sẽ thu hút được sự chú ý của những khách hàng từ bên ngoài. Sự hiện diện của nhiều nhà cung cấp cho một sản phẩm hay dịch vụ tại một địa điểm cũng sẽ làm giảm rủi ro trong nhận thức của khách hàng, bởi vì các cluster có thể giúp người mua có được nhiều sự chọn lựa cho sản phẩm họ cần.

Tiếp cận được những nguồn sản phẩm đầu vào và nhân công chuyên biệt: Một tổ hợp với những DN tương đồng có thể hỗ trợ cho những nhà cung ứng chuyên biệt đẩy mạnh chuyên môn hóa, chẳng hạn DN nào chuyên sản xuất linh kiện, DN nào chuyên cung cấp dịch vụ kinh doanh...

Vì vậy, cluster sẽ khuyến khích các nhà cung cấp địa phương phát triển, không ngừng nâng cấp và hình thành lực lượng lao động chuyên môn hóa cao.

Tiếp cận nguồn thông tin dễ dàng hơn: Khi hoạt động trong các cluster, DN có thể tiếp cận những nguồn thông tin chuyên ngành về kỹ thuật, về thị trường được hình thành từ những DN, những tổ chức địa phương.

Tăng cường tính liên kết giữa sản phẩm và dịch vụ: Việc cùng nhau hoạt động trong một nơi sẽ giúp các công ty dễ dàng hơn trong mối quan hệ liên kết giữa sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tạo ra áp lực bên trong trong việc nâng cao hiệu quả tổng thể cho toàn bộ tổ hợp (chẳng hạn như dịch vụ thiết kế sản phẩm, logistics...).

Việc phát triển các tổ hợp cũng thường dẫn đến việc hình thành các DN mới nhanh hơn do khoản trống trong thị trường thường rất rõ ràng. Nhu cầu về lao động kỹ năng, những dịch vụ chuyên biệt như marketing, tài chính (các quỹ đầu tư với những kiến thức về ngành công nghiệp thường hoạt động trong những tổ hợp) sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.

Nâng cao lợi ích các tổ hợp mang lại

Để nâng cao tính cạnh tranh của từng DN và toàn bộ tổ hợp thì việc tận dụng những thông tin, bí quyết kinh doanh, bí quyết công nghệ bị "rò rỉ” là chưa đủ, DN còn phải chủ động liên kết với nhau để tạo ra lợi thế cạnh tranh chung. Việc tham gia này có thể được thực hiện dưới hai hình thức:

- Những công ty riêng lẻ hợp tác với nhau (chia sẽ trang thiết bị hay cùng nhau phát triển sản phẩm mới).

- Nhiều công ty cùng tham gia vào các hiệp hội kinh doanh (cùng nhau mua nguyên liệu đầu vào để có giá tốt...).

Hợp tác theo chiều ngang giữa những đối thủ cạnh tranh: Chẳng hạn, việc cùng nhau tổ chức các hoạt động marketing như các hội chợ thương mại để thâm nhập vào thị trường thế giới; phát triển các nguyên tắc ứng xử với môi trường.

Liên kết dọc giữa khách hàng và nhà sản xuất: Những công ty làm việc với các nhà cung cấp để nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc tham gia những hoạt động trao đổi thông tin để đẩy nhanh tốc độ trao đổi, hợp tác, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau.

Những mô hình thành công

Hsinchu: Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Đài Loan

Một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của các ngành công nghiệp xứ Đài là sự phát triển của các tổ hợp công nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là Công viên Khoa học Hsinchu.

Tổ hợp này được hình thành năm 1980 và là ngôi nhà của những công ty bán dẫn và sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới, bao gồm Taiwan Semiconductor (TSMC) và United Microelectronics (UMC). Khả năng sản xuất DRAM của tổ hợp này được xếp vị trí thứ nhất trên thế giới và chiếm khoảng 23% tổng sản lượng toàn cầu vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

Sino: Thung lũng dệt may của Brazil

Sau hơn 20 năm, nơi này đã phát triển thành một cluster, nơi tập hợp những DN với quy mô khác nhau và xuất khẩu chiếm hơn 70% sản phẩm đầu ra. Một mạng lưới với hơn 400 nhà sản xuất giầy, hơn 1.000 nhà cung cấp sản phẩm đầu vào và dịch vụ chuyên biệt.

 

Cùng chuyên mục
XEM