Tìm lối thoát cho nông sản: Đừng để nông dân phá vỡ quy hoạch

31/05/2015 21:01 PM |

Vấn đề tiêu thụ nông sản như dưa hấu, hành tím, thanh long, vải thiều... luôn khiến cho người nông dân “điêu đứng”, việc tìm lối thoát cho nông sản cũng luôn là bài toán khó, chưa có lời giải. Trao đổi với PV về vấn đề này, Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, không để nông dân trồng nông sản tự phát, phá vỡ quy hoạch.

Nội dung nổi bật:

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang có 3 vấn đề:

- Thứ nhất là quy hoạch, kế hoạch về cây trồng vật nuôi của chúng ta là cũ, tuy sau này cơ cấu lại nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh.

- Thứ hai là đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu, nhất là vấn đề thủy lợi, chế biến, bảo quản sản phẩm trong nông nghiệp.

- Thứ ba là những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp như đào tạo, trang bị công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sự hiểu biết, kinh doanh, quản trị cho người nông dân vẫn còn thấp hoặc thua xa so với lĩnh vực khác.


* Thưa ông lĩnh vực nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này lại liên tục giảm qua các năm, đây là điều đáng lo ngại?

- Đây là vấn đề lo ngại thực sự, lĩnh vực nông nghiệp muốn hay không muốn, trước hay sau thời kỳ nào cũng là bệ đỡ cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt là những năm kinh tế khó khăn như thời gian vừa qua. Trong điều kiện khó khăn chung, lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giữ cho nền kinh tế đất nước đứng vững. Thế nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp lại đăng có xu hướng giảm.

Theo tôi nó xuất phát từ ba vấn đề. Thứ nhất là quy hoạch, kế hoạch về cây trồng vật nuôi của chúng ta là cũ, tuy sau này cơ cấu lại nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh.

Thứ hai là đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu, nhất là vấn đề thủy lợi, chế biến, bảo quản sản phẩm trong nông nghiệp.

Thứ ba là những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp như đào tạo, trang bị công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sự hiểu biết, kinh doanh, quản trị cho người nông dân vẫn còn thấp hoặc thua xa so với lĩnh vực khác. Khi những điều kiện để phát triển không đáp ứng được, sẽ làm cho nông nghiệp nước ta có những yếu tố phát triển không bền vững khi thị trường thế giới biến động, thị trường trong nước bất ổn, hạn hán, dịch bệnh...

* Thưa ông chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản vẫn chưa hấp dẫn nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư?

- Đúng là chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn. Như hiện nay, hiệu quả khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không thu lời nhiều, chính vì thế kể cả công nghiệp chế biến nông sản, dự trữ, thu hoạch có ít doanh nghiệp tham gia... Doanh nghiệp trong kinh tế thị trường phải có lời họ mới đầu tư vào.

* Nếu chúng ta ra nhập Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nền nông nghiệp như hiện nay liệu có đáng lo ngại không thưa ông?

- Theo tôi là đáng lo ngại bởi vì sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sức cạnh tranh còn yếu. Công nghệ chế biến nông sản còn yếu, việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế cho nên khi ra thị trường thế giới họ đòi hỏi những vấn đề khắt khe hơn thì mình không đáp ứng được. Ví dụ như thanh long, vải thiều, sản lượng làm ra của chúng ta rất lớn, được nhiều nước ưa chuộng nhưng khi xuất ra thị trường nước họ, người tiêu dùng ở đó đòi hỏi những yêu cầu theo thông lệ của người ta, mình không đáp ứng được, như việc diệt trùng, an toàn thực phẩm.

Để giải quyết vấn đề bất cập, theo tôi thứ nhất quy hoạch, kế hoạch phải chuẩn xác, phải có tầm nhìn xa hơn.

Thứ hai chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn và tập trung hơn. Ví dụ như hỗ trợ đào tạo cho lĩnh vực nông nghiệp có được nguồn nhân lực chât lượng cao, trang bị những công nghệ tiên tiến hiện đại, hỗ trợ chính sách pháp lý để người nông dân đưa sản phẩm ra cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới.

Thứ ba điều hành linh hoạt, phải chớp được thời cơ , tạo thuận lợi cho nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá sản xuất ra sản phẩm thì không tiêu thụ được.

* Xin cảm ơn ông !

Theo Xuân Hải

Cùng chuyên mục
XEM