Tiền tệ thế giới: Đi đâu, về đâu?

27/02/2015 07:33 AM |

2.000 năm sau, khi nền kinh tế đã phát triển vượt bậc thì tiền tệ cũng có những bước tiến hóa đáng kể. Tuy nhiên sự tiến hóa ấy có lẽ vẫn chưa giúp hệ thống tiền tệ thế giới thoát khỏi tình trạng hỗn loạn.

Nội dung nổi bật:

- Thị trường tiền tệ thế giới đang chứng kiến nhiều biến động với nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sách tiền tệ và nguyên nhân sâu xa là sức khỏe của các nền kinh tế

- Chính sách neo tỷ giá đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế

- Tuy nhiên như đã nói ở trên thị trường ngoại hối vẫn luôn tiềm ẩn sự bất ổn và câu chuyện điều gì sẽ xảy ra vẫn đang làm đau đầu các nhà hoạch định.


Ngay từ xa xưa con người đã sử dụng rất nhiều phương tiện để giúp cho việc giao thương được trở nên dễ dàng và thuận tiện. Đó có thể đơn giản là vỏ sò, lông chim, thậm chí là răng cá mập, v.v… Không ai biết chính xác người ta bắt đầu sử dụng tiền dưới hình thức đồng tiền kim loại từ khi nào. Những đồng xu bằng kim loại được lưu hành khắp nơi với vô vàn hình thức khác nhau, điều này đòi hỏi một “vật trung gian” đứng ra định giá đồng tiền này so với đồng tiền khác. Người ta vẫn đùa rằng phát minh này do Chúa đã đem đến cho thế giới loài người.

2.000 năm sau, khi nền kinh tế đã phát triển vượt bậc thì “vật trung gian” cũng có những bước tiến hóa đáng kể. Tuy nhiên sự tiến hóa ấy có lẽ vẫn chưa giúp hệ thống tiền tệ thế giới thoát khỏi tình trạng hỗn loạn.

Hỗn loạn vì chính sách tiền tệ

Vào tháng 1/2015 vừa qua NHTW Thụy Sỹ quyết định thả nổi đồng franc so với euro và làm điêu đứng không ít các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ trong một vài phút, đồng franc tăng giá 30% khiến rất nhiều nhà môi giới trên thị trường ngoại hối mất đi một khoản không nhỏ.

Một số đồng tiền trên thế giới cũng đang chịu áp lực lớn. Đơn cử như đồng Rúp của Nga đang sụt giảm nhanh chóng về giá trị so với đồng USD do giá dầu giảm và sự trừng phạt của phương Tây. Đầu tháng 2/2015 vừa qua NHTW Australia đã bất ngờ giảm hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, khiến đồng đô la Úc thấp nhất 6 năm so với USD.

Đan Mạch cũng đã 3 lần cắt giảm lãi suất, dần dần tiến tới mức lãi suất âm. Động thái này của Đan Mạch khiến đồng krone kém hấp dẫn, từ đó sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư vào nước này và mục đích cuối cùng là để tránh việc đồng krone tăng giá so với euro.

Vậy điều gì đang đứng sau sự tăng giảm bất thường của các đồng tiền này sau một thời gian dài khá yên ắng? Có thể luận giải nguyên nhân là do sự bất đồng trong chính sách tiền tệ của 3 “ông lớn” ngân hàng – Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Trong khi FED đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách dừng mua tài sản và tăng lãi suất thì BOJ và ECB lại đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách “bơm” tiền vào nền kinh tế.

Những chính sách kinh tế khác nhau này thực chất là đang phản ánh tình trạng của nền kinh tế. Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ tốt, trong khi Nhật Bản và Eurozone vẫn đang loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế.

Giống như Nhật Bản, Eurozone đang ở ngưỡng cửa của giảm phát. Giá dầu liên tục giảm khiến Eurozone đối mặt với lạm phát âm. Lạm phát thấp khiến các NHTW trên thế giới phải nới lỏng chính sách tiền tệ, và đã có 12 ngân hàng hạ lãi suất kể từ đầu tháng 11/2014.

Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu của chính sách tiền tệ là duy trì một tỷ giá hối đoái thấp. Ngay từ đầu năm 2014, đồng yên đã giảm giá 11% so với đồng đô la Mỹ và giảm giá tới 17% so với đồng euro.

Một đồng tiền yếu hơn sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu và từ đó sẽ vực dậy nền kinh tế cũng như thúc đẩy cả nhập khẩu, điều này có thể sẽ giảm tình trạng giảm phát.

Nhưng thị trường ngoại hối là một sân chơi cân bằng: khi một đồng tiền giảm thì ắt hẳn sẽ có đồng tiền khác tăng. Khi một quốc gia tăng giá đồng tiền điều đó có nghĩa là nó sẽ tự tìm cách hạ giá đồng tiền ngay sau đó vì nỗi lo sợ rằng mình đang “nhập khẩu” giảm phát từ các nước khác.

Nếu nước nào cũng nỗ lực chống chọi giảm phát bằng cách phá giá đồng nội tệ thì không ai có lợi cả. Và điều này ắt hẳn sẽ tác động đến Mỹ vì đây là quốc gia lớn duy nhất đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thị trường ngoại hối bất ổn gây khá nhiều vấn đề phiền toái cho các công ty và các nhà đầu tư. Điều đó lý giải tại sao thế giới đã từng ủng hộ hệ thống tỷ giá hối đoái cố định. Và nó cũng lý giải tại sao nhiều quốc gia vẫn chọn neo giữ đồng tiền của mình theo đồng USD hay đồng euro. Khi đồng USD tăng hay khi đồng euro giảm giá thì các nước neo giữ đồng tiền theo 2 đồng tiền này sẽ phản ứng ngay cho phù hợp. Có thể các quốc gia neo giữ tiền sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ theo khối đồng USD hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ theo khối Eurozone, tùy thuộc vào việc họ neo giữ đồng tiền theo khối nào.

Neo tỷ giá có thực sự tốt?

Nhưng việc neo giữ tỷ giá này lại có một số vấn đề.

Thứ nhất, neo giữ tỷ giá liên quan đến cách thiết lập tỷ giá. Học thuyết ngang giá sức mua cho rằng dòng tiền sẽ di chuyển phù hợp với giá cả của các mặt hàng có thể giao dịch. Nếu một trong các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao hơn, hàng hóa ở đây sẽ trở nên đắt đỏ hơn và nó sẽ mất thị phần.

Nếu điều đó xảy ra, đồng nội tệ sẽ giảm cho đến khi giá trở lại đúng với giá trị. Chỉ số Big Mac (giá chiếc bánh kẹp của McDonald’s ở các nơi khác nhau) là ví dụ tiêu biểu cho học thuyết này.

Tuy nhiên, trên thực tế tiền tệ có thể mất một thời gian khá dài để đi đến giá trị hợp lý rõ ràng và ở lại đó. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của dòng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư luôn chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Dòng tiền lớn như vậy khiến việc neo tỷ giá trở nên khó khăn.

Các mức lãi suất cực thấp của Đan Mạch gây nên nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản. Lãi suất âm cũng có thể xâm phạm vào lợi nhuận ròng của các ngân hàng. Thêm vào đó, các công ty và ngân hàng trong nước có thể gặp rắc rối lớn vì chi phí trả nợ nước ngoài tăng cao. Đó chính là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng châu Á vào cuối những năm 1990, khi nhiều nền kinh tế đột nhiên thấy đồng tiền của họ giảm so với USD.

Hiện nay, mỗi nước trên thế giới đều tìm cho mình một cơ chế tỷ giá cho phù hợp với tình hình của mỗi nước, có thể là tỷ giá cố định, có thể là thả nổi, hoặc cũng có thể là sự kết hợp của 2 cơ chế thả nổi và cố định.

Châu Âu chuyển từ hệ thống tiền tệ Châu Âu sang đồng euro. Trung Quốc áp dụng cơ chế tỷ giá cố định gắn chặt với USD, sau đó chuyển sang cơ chế tỷ giá gắn với một rổ tiền tệ và điều chỉnh trong phạm vi một biên độ nhất định. Các thị trường mới nổi trải qua một loạt khủng hoảng, khiến một số nước phải áp dụng các cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.

Tuy nhiên như đã nói ở trên thị trường ngoại hối vẫn luôn tiềm ẩn sự bất ổn và câu chuyện điều gì sẽ xảy ra vẫn đang làm đau đầu các nhà hoạch định.

>> Điểm lại những cơn 'địa chấn' tiền tệ

Ths. Bùi Thị Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM