Tiền châu Á mất giá mạnh nhất 3 năm

31/08/2015 19:14 PM |

Chốt lại tháng 8, các đồng tiền châu Á ghi nhận tháng giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2012.

Chỉ số Dollar châu Á đo sức mạnh của các đồng tiền châu Á do Bloomberg và JPMorgan theo dõi, giảm 2,6% trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012. Số liệu mới thống kê cho thấy, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán ròng khoảng 10 tỷ USD cổ phiếu của Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines trong tháng này.

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ hôm 11/8 làm dấy lên lo ngại các nước châu Á cũng sẽ nối gót phá giá nội tệ để bảo vệ xuất khẩu Đồng ringgit giảm 8,7% trong tháng này, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998 khi các bê bối chính trị làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư trong khi giá hàng hóa lao dốc ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của quốc gia này.

Đồng rupiah của Indonesia cũng giảm 3,7%, giảm mạnh nhất 11 tháng. Rupiah xuống dưới 1.400 rupiah/USD lần đầu tiên kể từ năm 1998 trong tháng này khi chứng khoán Indonesia rơi vào thị trường giá xuống.

Đồng won của Hàn Quốc hướng đến tháng giảm thứ 4 liên tiếp, đợt mất giá lâu nhất kể từ năm 2008 khi các số liệu về ngành sản xuất suy yếu làm gia tăng lo ngại đà phục hồi kinh tế của nước này chậm lại, đặc biệt là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất. Trong tháng 8, won giảm 1,1% giá trị.

 

Tiền đồng của Việt Nam cũng giảm 2,9% trong tháng 8, hướng đến tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2011 sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá 3 lần kể từ đầu năm đồng thời nâng biên độ giao dịch để hạn chế ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Rupee của Ấn Độ giảm 3,2% trong tháng này. Đài tệ giảm 2,6%, baht Thái giảm 2,5%,Philippines giảm 2,2%. Nhân dân tệ giảm 2,7%

Các đồng tiền châu Á hiện giờ phải đối mặt với bất ổn mới khi tỷ giá nhân dân tệ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường định hướng và khiến nhân dân tệ sẽ biến động nhiều trong tương lai, Koon How Heng, chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản của Credit Suisse nhận định. “Khi nhà đầu tư càng không sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tình trạng bán tháo trên các thị trường vốn khu vực càng tăng và tạo sức ép bốc hơi nguồn vốn”, chuyên gia này nhận xét thêm.

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM