Tịch thu xe tài xế say xỉn: “Tôi thà đút tiền cho cảnh sát còn hơn mất xe Lexus”

11/03/2015 15:03 PM |

“Đứng trước việc mất chiếc xe hàng tỷ đồng, bản thân người sở hữu sẽ phát sinh hành vi chống đối”...

Nội dung nổi bật:

- Chỉ trong Tháng 2 (Tháng Tết), có tới 17.500 người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. “Với 35 người chết mỗi ngày và 82 người bị thương trong 9 ngày Tết, đây là con số giật mình, phải suy nghĩ” - đại diện Bộ Y tế.

- Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều: Ủng hộ có, phản đối có, có chuyên gia đề nghị hoãn thi hành...


Căn cứ nào Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề nghị tịch thu xe tài xế say xỉn?

“Chỉ trong Tháng 2 (Tháng Tết), có tới 17.500 người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn” – đây là thông tin ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia – cho biết tại Hội thảo Giảm thiểu Tai nạn giao thông bằng chế tài mạnh – Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn tổ chức sáng 11/3.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia là đơn vị đề xuất tăng xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ô tô, xe máy, xe điện nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó có hình thức tịch thu xe của tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Mục tiêu của dự thảo mới, bao gồm việc tịch thu xe của tài xế say xỉn, theo ông Hùng, một là, bảo vệ tính mạng, đời sống, tài sản, cơ hội được chăm sóc gia đình của những người điều khiển phương tiện giao thông và của những người tham gia giao thông khác.

Hai là, làm sao để có một thông điệp đủ sức tạo nên một lời cảnh báo cho người điều khiển phương tiện trước khi tham gia giao thông là: Đã uống rượu bia thì không lái xe.

“Điều này đã thúc đẩy Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia kiến nghị một chế tài mạnh chưa từng có trong pháp luật Việt Nam” – ông Hùng cho biết.

Liên quan đến vấn đề an toàn giao thông, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: “Với 35 người chết mỗi ngày và 82 người bị thương trong 9 ngày Tết, đây là con số giật mình, phải suy nghĩ”. Ông Quang cũng dẫn một báo cáo cho rằng 60% các vụ tai nạn là có liên quan đến rượu bia.

Tuy nhiên, ông không cho biết rõ báo cáo này ở đâu, tổ chức nào thực hiện và thực hiện vào thời điểm nào.

“Khi dân chúng bức xúc thế này, tôi lấy tính mạng ra đảm bảo là tính khả thi không cao”

Đây là ý kiến của LS. Phan Hữu Thư đối với đề xuất tịch thu xe của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia. Để bảo vệ lập luận của mình, LS. Thư đưa ra 2 lý do:

Thứ nhất, là tính công bằng và hợp lý khi đưa văn bản quy phạm pháp luật ra với quần chúng.

Ông Thư cho rằng, không thể đánh đồng việc tịch thu một cái xe 30 tỷ đồng với 1 xe công nông 2 triệu đồng dù cùng là phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, trong khi những người có tiền sẵn sàng “xỉa” ra 40 triệu đồng rồi đi tiếp thì với một gia đình nghèo, phương tiện 30 triệu đồng cũng là cả gia tài.

Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật đưa ra có hiệu quả không, hay chỉ đơn thuần là đưa ra với ý nghĩa chỉ là một văn bản? Tính khả thi của văn bản này đến đâu? Ông Thư thắc mắc.

TS. Đồng Xuân Thành – một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng đề xuất mới không khả thi.

Về mặt pháp lý, chúng ta có Hiến pháp năm 2013, Luật dưới Hiến pháp thì phải theo Hiến pháp. “Chúng ta chưa sửa Luật theo Hiến pháp mà đã muốn ra Nghị định?” – TS. Thành hỏi.

“Chúng ta đã từng tịch thu phương tiện. Bắt hết. Để mưa nắng hỏng hết. Ô tô bắt bỏ lên bãi, bao nhiêu xe hàng tỷ đồng cũng hỏng hết. Hiện pháp lý “đá” nhau hơi nhiều... Nếu là tôi, tôi thà đút tiền cho cảnh sát còn hơn mất xe Lexus”.

“Đứng trước nguy cơ mất một chiếc xe hàng tỷ đồng, bản thân lái xe sẽ phát sinh hành vi chống đối, như không thổi vào khí thở. Cũng có mức xử phạt đối với người không tuân thủ việc thổi vào ống thở, nhưng người ta thà làm như thế còn hơn mất cái xe” – LS. Trung Thành nhìn nhận.

LS. Thành cũng đề nghị để khách quan, các đại biểu tại hội thảo biểu quyết tại chỗ ai đồng tình và không đồng tình với đề xuất tịch thu xe tài xế say xỉn. Tuy nhiên, ban chủ tọa gồm Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và LS. Trần Vũ Hải - đồng chủ trì hội thảo - đã từ chối đề nghị này với lý do chưa nên lấy ý kiến khi các thông tin liên quan chưa rõ ràng.

“Có thể đề xuất nếu tái phạm mới tịch thu”

“Tôi đồng ý là phải làm thế nào một chính sách mới đưa ra phải đồng bộ với các chính sách khác. Nhưng, nếu vì xóa đói giảm nghèo mà để một xã hội loạn hết cả lên, thì chúng ta nghĩ thế nào.

Chúng ta có thể xem xét đề xuất nếu tái phạm mới tịch thu. Như thế, cần phải có một hệ thống theo dõi rất tốt trên toàn quốc”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.

>> Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Xe biển xanh, xe mượn... xử được không?

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM