Thùng rác, nhà vệ sinh Nhật đang bị lục tung để ngừa khủng bố?

23/11/2015 15:15 PM |

Trong trường hợp bị khủng bố liên tiếp giống như ở Paris, người ta lo ngại cảnh sát sé khó ứng phó bởi lực lượng này còn quá mỏng và thiếu kinh nghiệm.

Những ngày này tại Tokyo, tại nhiều địa điểm công cộng người ta không còn cảm thấy bình yên như trước. Sau những vụ khủng bố tại Paris, bọn khủng bố cảnh báo sẽ tấn công sang châu Á và Tokyo có thể là một mục tiêu mà chúng lựa chọn.

Cảnh sát Tokyo đang cẩn thận với từng chi tiết nhỏ ở thành phố này. Hiện tại sẽ rất khó để bạn có thể tìm thấy thùng rác tại các nhà ga trung tâm thủ đô Tokyo. Lý do của việc này là bởi cảnh sát lo sợ các thùng rác có thể bị biến thành thùng chứa bom. Cách đây 20 năm, thành viên băng nhóm Aum Shinrikyo đã từng kích nổ một vụ nổ khí ga tại nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo.

Viết cho báo Shukan Bunshun, nhà bình luận chính trị Masaru Sato từng nhấn mạnh rằng Nhật là nước duy nhất từng bị khủng bố bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Người ta đang đặt câu hỏi: Liệu những gì xảy ra cách đây 20 năm có giúp nước Nhật ngày nay trở nên an toàn hơn không? Hay chính xác hơn là liệu Nhật có thể tránh được các cuộc khủng bố giống như ở Paris thứ Sáu tuần trước?

Chắc chắn rằng ông Sato có lý do để tin rằng dù IS chưa tồn tại trên đất Nhật nhưng hiện có đến cả hàng trăm kẻ mang tư tưởng chống đối không kém gì. Và thực sự cảnh sát có lý do để lo lắng về sự an toàn.

Ông Sato nói: “Phe phản đối có thể không tuyên chiến thế nhưng một cuộc chiến mới đã thực sự bắt đầu. Hãy nhớ rằng phe đối lập không nghĩ giống chúng ta. Họ chẳng có chút day dứt nào khu họ giết hàng loạt người đâu.”

Còn theo ông Motohiro Ono, cựu trưởng đại sứ Nhật tại Damascus, Syria và nay một nghị sỹ Thượng viện Nhật, không thể loại bỏ khả năng Nhật trở thành mục tiêu bị tấn công khủng bố, đặc biệt khi mà Nhật đã điều chỉnh chính sách Quốc phòng cho phép quân đội Nhật tham gia nhiều hơn và các hoạt động ở nước ngoài.

Ông Ono khẳng định nếu Nhật ủng hộ chính sách của Mỹ tại Trung Đông, hỗ trợ về nhân lực và tài chính cho các chiến dịch ném bom của Mỹ tại Syria, nguy cơ Nhật bị khủng bố sẽ tăng cao hơn.

Một số chuyên gia an ninh khác đặt ra câu hỏi, nếu 7 địa điểm tại Tokyo trở thành mục tiêu khủng bố cùng lúc, liệu cảnh sát có thể xử lý được không?

Nếu trường hợp đó xảy ra, chắc chắn cảnh sát Nhật sẽ phải huy động đến Đội đặc nhiệm SAT. Tuy nhiên lực lượng này hiện được đánh giá là cón quá mỏng (chỉ 300 thành viên được chia nhỏ tại 8 tỉnh) và nếu trong trường hợp Tokyo bị khủng bố liên hoàn tại 7 địa điểm vào lúc 9h tối giống như Paris cách đây 2 tuần, sẽ chỉ có khoảng 50 cảnh sát có thể ngay lập tức được huy động để phản ứng nhanh.

Ngay cả chính những người từng làm việc tại Cơ quan an ninh Tokyo cũng chỉ ra sự yếu và thiếu của lực lượng cảnh sát Nhật: “Cho đến nay, SAT chưa được đào tạo cẩn thận để ứng phó với trường hợp khủng bố xảy ra ở địa điểm có nhiều dân thường. Nếu những kẻ khủng bố bắt cóc con tin và cố thủ trong địa điểm như nhà hát hay nhà hàng, thông thường cảnh sát ở các nơi khác sẽ cầm súng vào và tấn công trực diện. Thế nhưng ở Nhật, cảnh sát không muốn tiêu diệt bất kỳ sinh mạng nào, dù đó là khủng bố, chính vì vậy, cảnh sát sẽ chủ yếu dùng lựu đạn để có thể bắt sống hung thủ.”

Lý giải về sự yếu kém của cảnh sát Nhật, ông Hiroyuki Onuki, người từng đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Nhật, cho rằng: “SAT chỉ được lập ra đề ứng phó với những kẻ tội phạm đơn lẻ, chính vì vậy rất nhiều người hoài nghi về khả năng ứng phó của SAT trong trường hợp nhiều vụ khủng bố diễn ra cùng lúc.”

Ông cho rằng để đảm bảo an toàn, cảnh sát Nhật cần phải tăng cường kiểm soát súng đạn và trao đổi thông tin với cơ quan an ninh các nước khác. Ngoài ra, Nhật cúng cần phải chú trọng nhiều hơn đến những địa điểm dễ bị tấn công, ví như các nhà ga công cộng. Tháng 6 năm ngoái, một người đàn ông đã tự thiêu trên chuyến shinkansen gây nguy hiểm cho nhiều người.

Trong khi đó, phân tích của giáo sư Shiro Kawamoto thuộc đại học Nihon cho thấy tạp chí của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhiều lần nhắc đến việc sẽ tấn công Nhật. Dù Nhật không ném bom vào lãnh thổ Syria như Pháp nhưng Nhật lại là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế. Gần đây nhất, có thể những kẻ khủng bố đang tính đến việc tấn công Hội nghị thượng đỉnh G7 tại tỉnh Mie vào tháng 5 năm tới.

Chính sách kiểm soát súng đạn ngặt nghèo của chính phủ Nhật cũng không khiến người ta cảm thấy yên lòng. Giáo sư Koichi Oizumi thuộc đại học Aomori Chuo Gakuin University phân tích rằng không khó để kiểm được vật liệu chế tạo bom tại các siêu thị. Ngoài ra, cấu trúc các nhà vệ sinh công cộng ở Nhật hiện quá kín đáo và riêng tư, nó có thể bị lợi dụng để biến thành nơi làm và đặt bom. Nhà vệ sinh ở châu Âu và Mỹ thường được thiết kế hở phần chân để dễ kiểm soát bên trong. Ông khẳng định vì lý do an ninh, cấu trúc tất cả các nhà vệ sinh ở Nhật nên được thiết kế lại.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM