Thủ tướng: “Nợ công chưa vượt 65% GDP”

30/10/2014 15:31 PM |

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nợ công hiện vẫn đang trong ngưỡng cho phép theo quy định của chiến lược nợ công quốc gia...

“Nợ công của quốc gia bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương hiện vẫn trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia là không vượt quá 65% GDP."

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 29/10, trước thông tin cho rằng nợ công của Việt Nam hiện đã vượt trần.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đánh giá hiện nay cho thấy, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%. Đáng chú ý, tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ.

Đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép, bằng 25% GDP.

“Tới đây sẽ ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài”, Thủ tướng nói.

Một nội dung quan trọng khác được các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp là vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, từ khi triển khai đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460 nghìn tỷ đồng xuống còn 252 nghìn tỷ đồng, giảm 54,3%.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125 nghìn tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu hết năm 2014 mua từ 130 đến 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC cũng đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu và tiếp tục bán khi thị trường đảm bảo việc bán nợ xấu có lợi nhất.

Chỉ đạo nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9/2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho VAMC làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

>> [Infographic] Nợ công của Việt Nam trong giới hạn an toàn

Theo Song Hà

Cùng chuyên mục
XEM