Thủ tướng: 'Dân làm kinh tế hiệu quả hơn'

28/03/2015 10:25 AM |

"Nhà nước lấy được tiền về, doanh nghiệp tư nhân thay thế. Tư nhân là nhân dân, toàn dân làm kinh tế thì mới thắng lớn được. Nhà nước chỉ tạo điều kiện, môi trường, luật lệ".

Bán 2-3% cổ phần không tác dụng gì

"Nhiều bộ ngành vẫn chưa thực sự sát sao, quyết liệt chỉ đạo, đặc biệt là chưa kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hoá", báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước nêu rõ nguyên nhân cơ bản này trong buổi họp về cổ phần hoá DNNN chiều 26/3.

Ngay sao đó, nhiều Bộ trưởng, lãnh đạo Tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng hàng loạt khó khăn khách quan dễ dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ cổ phần hoá.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng giãi bày, có 5 Tổng công ty cần cổ phần hoá vẫn đang vướng mắc về tài chính, như HUD, Sông Đà, Xi măng. Song, khó khăn nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp ngành xi măng. Hiện nay, việc tái cơ cấu mới thực hiện xong ở xi măng Đồng Bành, vẫn còn vướng ở xi măng Hạ Long thuộc Tổng công ty Sông Đà.

"Nếu không chuyển giao được xi măng Hạ Long thì ảnh hưởng đến tái cơ cấu của Sông Đà, ảnh ưởng đến cả tài chính và chương trình hỗ trợ của ADB, vì điều kiện cho vay của ADB là Sông Đà phải thoái vốn ở công ty này", lãnh đạo Bộ Xây dựng bày tỏ.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương cho hay, có những trường hợp vướng vì chưa xong phần khoanh nợ như ở Tổng Công ty giấy Miền Nam. 4 công ty thành viên khác trực thuộc Bộ sau khi xác định giá trị, đối chiếu công nợ thì lại thấy phần vốn Nhà nước âm, hoặc đang bị liên quan đến kiện cáo, tranh chấp quốc tế.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, ông Lê Minh Chuẩn, cũng băn khoăn, có doanh nghiệp chỉ công bố bán vốn Nhà nước tới 49%, nhưng thực tế, nhà đầu tư lại muốn mua 51% mới bán. Chính phủ cần mở hơn để nhà đầu tư có cơ hội tham gia.

Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Tp Hải Phòng, lo ngại: "Ở cổ phần hoá công ty cấp nước, nhà đầu tư muốn mua 51%, nhưng lại sợ, nếu bán hết vốn Nhà nước thì sau này, giá nước tăng thì ai chịu?"

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn, một số trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá bán không không thành công, tỷ lệ rất thấp. Nhưng thực tế, các Bộ cần lưu ý, nhiều trường hợp có nguyên nhân là do Nhà nước vẫn giữ nguyên cổ phần chi phối, chỉ nâng vốn điều lên, phát hành thêm cổ phần thôi.

Bộ trưởng Tài chính nêu: "Ví dụ như ở lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp phát hành vốn thêm, mà đều là các đơn vị không cần thiết Nhà nước phải nắm cổ phần nào hết. Bán 2-3% không giải quyết gì. Những đơn vị này thì nên bán hết đi, 51%, 100% cổ phần. Như thế mới thu hút được nhà đầu tư chiến lược"

Để dân cùng làm kinh tế hiệu quả hơn

Tuy nhiên, cũng có nhiều Bộ trưởng báo cáo, việc cổ phần hoá đã mang lại nhiều hiệu quả, doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, thu nhập cao hơn như ở Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và truyền thông.

Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng đề nghị, các bộ cần mạnh dạn, bán vốn Nhà nước ở các lĩnh vực không cần thiết nắm giữ.

"Cùng với thoái vốn, cổ phần hoá, các DNNN đều điều chỉnh mục tiêu chiến lược kinh doanh, đổi mới, hoàn thiện hơn. Hiệu quả tổng thể DNNN tốt hơn. Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, thu nhập của người lao động tăng, tổng tài sản tăng. Mặc dù bán bớt vốn Nhà nước nhưng vốn Nhà nước vẫn tăng, hiện là 1,2 triệu tỷ đồng, tổng tài sản 3,2 triệu tỷ đồng. Qua đó, DNNN góp phần hoàn thiện thể chế thị trường", Thủ tướng cho biết.

"DNNN vẫn thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, như xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông, hàng không", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, hiệu quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của DNNN, khi tính trên vốn, tổng tài sản lớn. Một số DNNN còn lỗ, hiệu qua thấp, năng suất thấp, thoái vốn để thu vốn về, đầu tư lĩnh vực khác còn chậm.

Ông cho biết, tính đến hết năm 2015, giỏi lắm cổ phần hoá chỉ thu về được 150 ngàn tỷ đồng. Tính trên tổng tài sản hơn 3,2 triệu tỷ, trên tổng vốn 1,2 triệu tỷ đồng thì số tiền này còn quá ít, chưa được như mong muốn.

"Cổ phần hoá nhiều ý nghĩa, chúng ta muốn huy động được vốn trong xã hội thì phần Nhà nước phải lùi ra. Vốn thu về để đầu tư vào các lĩnh vực khác cần thiết hơn. Nhưng vừa qua, Nhà nước vẫn còn giữ nhiều vốn nên kém hấp dẫn nhà đầu tư", Thủ tướng nhìn nhận.

Ông nói: "Có hai loại DNNN, nếu ở doanh nghiệp hiệu quả cao như Mobifone, Bia Sài Gòn thì dù bán ít, người ta vẫn mua. Nhưng nếu ở doanh nghiệp xây dựng, lợi nhuận thấp mà bán 10-20% thì không ai mua. Nhà nước vẫn giữ 51%, giữ chi phối, nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào, doanh nghiệp thua lỗ (do Nhà nước giữ quyền chi phối- PV) thì làm sao hấp dẫn mà họ mua".

Thủ tướng đề nghị, các bộ cần mạnh dạn, bán vốn Nhà nước ở các lĩnh vực không cần thiết nắm giữ. Nhà nước lấy được tiền về, doanh nghiệp tư nhân thay thế. Tư nhân là nhân dân, toàn dân làm kinh tế thì mới thắng lớn được. Nhà nước chỉ tạo điều kiện, môi trường, luật lệ.

"Thể chế, chính sách đã đầy đủ, vấn đề còn lai là quyết tâm và trách nhiệm. Từng bộ trưởng phải quyết tâm chỉ đạo làm, rà soát tiếp, doanh nghiệp lĩnh vực nào không cần Nhà nước nắm chi phối thì bán tất để nhân dân cùng làm, sẽ năng động hơn, hiệu quả hơn", Thủ tướng yêu cầu.

>> Cổ phần hóa DNNN: Nhà đầu tư e ngại

Theo Phạm Huyền

Cùng chuyên mục
XEM