Thu nhập quá thấp để vay mua nhà: Sao không tính chuyện tích lũy?

14/06/2013 07:23 AM |

Với những người thu nhập quá thấp làm sao để có thể tiếp cận với gói hỗ trợ cho vay ưu đãi mua nhà 30.000 tỷ đồng?

Đi thuê rồi tích lũy

Theo quy định thực hiện triển khai gói 30.000 tỷ, người có thu nhập thấp là đối tượng được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ. Chỉ gói gọn trong khái niệm “thu nhập thấp” đã khiến cho cả ngân hàng và người dân lúng túng trong việc xác định đối tượng vay vốn.

Về khái niệm thu nhập thấp, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, những người thu nhập thấp tạm định nghĩa là những người không phải đóng thuế thu nhập là mức 9 triệu. 

Theo đó dù người dân có thu nhập 3 – 4 triệu/tháng thì vẫn thuộc đối tượng vay theo quy định. Nhưng khi tìm đến ngân hàng, rào cản về việc đảm bảo thanh toán từ mức thu nhập ấy khiến việc tiếp cận nguồn vốn lại trở nên xa vời.

Theo mức tính toán thông thường, ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay: “Với mức vay 500 triệu mà thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn không khả thi. Bởi vì thu nhập đó còn phải dành để sinh hoạt gia đình.

Với thu nhập đó còn lại bao nhiêu để trả nợ? Ít nhất họ phải chi 3-4 triệu đồng/tháng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1-2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân”.

Trao đổi về vấn đề này, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở của mình.

Về mức thu nhập thấp, chúng ta hiểu là một cá nhân đi làm thu nhập đến 9 triệu, mà cũng có người có thể chỉ 2-3 triệu, 1 gia đình có thể thu nhập tối đa ở mức thu nhập thấp là 18 triệu, nhưng tối thiểu nhiều gia đình có thể thu nhập chỉ có 5 triệu. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề nhà ở cho các đối tượng với dải thu nhập như thế? Chúng ta có mấy cách như sau:

Thứ nhất, những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Hiện nay tiêu chuẩn nhà ở xã hội cũng quy định căn hộ có diện tích từ 30 – 70m2. Chúng ta có thể chọn từng gói nhỏ, vì với đối tượng nghèo thì phải phát triển từng bước, sau 5-7 năm kinh tế phát triển, lương cao lên, số người trong gia đình đông lên, có điều kiện thì chuyển lên những căn hộ lớn hơn và chuyển căn hộ nhỏ đó lại cho những đôi vợ chồng trẻ khác.

Thậm chí có những hộ thu nhập thấp hơn nữa, với tình hình giá đất, vật liệu hiện nay, không thể đòi hỏi làm sao làm được căn hộ giá 80-90 triệu đồng, chúng ta đều biết không còn cách nào vì Chính phủ đã hỗ trợ tối đa đất, thuế, tín dụng….

Đối với đối tượng này, chúng ta đang có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các chính sách này một mặt thể hiện chính trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tôi rất hy vọng được ban hành trong tháng 7, theo đó, Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê.

“Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Không thể nóng vội

Dù đã được chính thức triển khai từ ngày 1/6 nhưng đến nay sau gần 2 tuần thực hiện vẫn chưa có khách hàng nào “chạm” được vào gói hỗ trợ. Không ít ý kiến cho rằng dù đã bấm nút khởi động nhưng thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể đã dẫn đến độ trễ trong việc thực hiện.

Cũng có ý kiến cho rằng, chưa thể đo được tác động từ gói hỗ trợ này, bởi từ đồng tiền trên giấy, ra tiền thật và chu chuyển được trên thị trường, phải từ 6 tháng đến 1 năm, với những thủ tục hành chính rất mất thời gian.

Đánh giá về việc triển khai thời gian qua ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng: “Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp tổng thể và nhắm tới những đối tượng theo chiến lược nhà ở.

Hiện trong thị trường BĐS phân khúc dành cho người có nhu cầu ở thực sự còn đang thiếu nhưng lại dư phân khúc cao cấp, vì vậy, gói này sẽ tác động tích cực đến những người có thu nhập thấp có được chỗ ở phù hợp. Thứ hai, sự ấm dần của phân khúc nhà ở thu nhập thấp sẽ tác động lan toả đến toàn thị trường. Thứ ba là giúp thị trường điều chỉnh theo cung cầu thực tế.

Thời gian qua, chúng ta mới triển khai được khoảng 10 ngày khi 2 thông tư có hiệu lực, các ngân hàng rất tích cực chuẩn bị vì đây là chính sách hướng tới rất đông người dân, hỗ trợ lãi suất thấp nên nhiều người quan tâm, do đó, cần thông tin minh bạch rõ ràng.

Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lực chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay”.

Ghi nhận từ quá trình thực hiện, ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Trong 10 ngày qua, chúng tôi đang phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai.

Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn như thế nào, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn.

Như vậy, hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện. Tôi nghĩ rằng mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân.

Đối với các doanh nghiệp đang hợp tác với BIDV, chúng tôi đang xem xét việc chuyển sang cho vay gói nhà ở thương mại theo đúng Thông tư 07. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ triển khai một số dự án với một số chủ đầu tư. Ví dụ ngày 17-18/6 tới đây, sẽ triển khai một số dự án với chủ đầu tư tại tỉnh Bình Dương”.

Và những tín hiệu trong thời gian tới sẽ là thước đo cho sự thẩm thấu của gói hỗ trợ đến với thị trường. Sự chuyển mình của thị trường từ gói hỗ trợ có thể tạo ra sức lan tỏa khơi dậy niềm tin và làm “thức tỉnh” thị trường BĐS sau kỳ đóng băng?

Theo Hồng Khanh

duchai

Cùng chuyên mục
XEM