Thoái vốn ngoài ngành: Lỡ hẹn

16/11/2015 10:00 AM |

Giai đoạn 2006 - 2008, một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước đem hàng chục nghìn tỷ đồng đi đầu tư bên ngoài ngành, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, các khoản đầu tư bỗng chốc thành “trái đắng”. Tuy nhiên, việc thoái hết vốn ngay lúc này không dễ…

Ráo riết bán vẫn ế

Theo chỉ đạo trước đây của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty sẽ khép lại vào ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ hơn 1/3 tổng số vốn đầu tư thoái được.

Ngày 20/10, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thông báo về kết quả đăng ký tham gia đấu giá cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được tổ chức cùng ngày. Theo đó, DATC đã công bố bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với giá khởi điểm rẻ bèo - 4.900 đồng/cổ phần và bán 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phiên đấu giá “ế” sưng bởi không hề có một nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành bán đấu giá gần 81,6 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mà đơn vị này sở hữu. Phiên đấu giá diễn ra thành công. Trong đó, 5 nhà đầu tư cá nhân đã mua thành công 40 triệu cổ phần của phiên đấu giá này với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng 400 tỷ đồng. Cổ đông tổ chức trúng thầu tại mức giá 10.100 đồng/cổ phần.

Tại hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngày 14/11, đại diện EVN phấn khởi thông tin: Kế hoạch thoái vốn của EVN năm nay là 1.969 tỷ đồng. Hiện, EVN đã hoàn thành cơ bản thoái vốn khỏi bất động sản, còn kẹt 8,6% vốn tại ABBank và mới thoái được 80 tỷ trong số 495 tỷ đồng tại Bảo hiểm toàn cầu. “EVN phấn đấu, hết năm 2015 sẽ kết thúc thoái vốn tại ngân hàng, chứng khoán”, đại diện EVN nhấn mạnh.

Sắp tới, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) sẽ thoái toàn bộ vốn đang mắc kẹt tại Ngân hàng TMCP Hàng hải- MaritimeBank (MSB) thông qua việc chào bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần MSB. Dự kiến, VNPT thu về hơn 837 tỷ đồng nếu chào bán thành công. Thực ra, trước đó, vào tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại MSB nhưng không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân là thị trường chứng khoán quá xấu.

Ngoài EVN, VNPT, hiện các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) vẫn còn dây dưa khá nhiều tại lĩnh vực bị xem là “tay trái”.

Lỗi hẹn, phải làm sao?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện vốn ngoài ngành đọng tại lĩnh vực ngân hàng khoảng 10.000 tỷ đồng; Nằm trong thị trường bất động sản khoảng 5.000 tỷ đồng; lĩnh vực chứng khoán khoảng vài trăm tỷ...

Về nguyên nhân thoái chậm, ông Tiến cho hay, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và nhiều khoản đầu tư bị giảm dưới mệnh giá. “Chúng tôi đã làm việc cụ thể với từng tập đoàn, tổng công ty. Tâm lý chung đều lo ngại nếu thoái vốn nhanh cho kịp mốc bằng mọi giá sẽ dẫn đến mất vốn, cho nên họ phải e dè”, ông Tiến nói.

Về phương án đối với số vốn đầu tư ngoài ngành còn lại, đặc biệt với lĩnh vực ngân hàng, theo ông Tiến, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ thoái vốn phải gắn với tái cơ cấu ngành mới đảm bảo hiệu quả vốn thu về được”.

Cụ thể, ông Đặng Quyết Tiến đơn cử: Trường hợp như khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí vào Oceanbank là không thành công; hay như Ngân hàng Xây dựng có vấn đề phải xử lý; còn với các trường hợp vốn của các tập đoàn như VNPT vào MSB hay TienphongBank; Mobiphone tại Techcombank nếu thoái phải thoái từ từ, bắt buộc bằng mọi giá rồi để doanh nghiệp tay không bắt giặc nhảy vào là chết.

“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là thoái vốn phải có lộ trình, đảm bảo nguyên tắc minh bạch cùng làm sao đạt hiệu quả cao, chứ không bằng mọi giá, để mất vốn nhà nước”, ông Tiến khẳng định.

Tại cuộc họp về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cuối tuần qua, riêng với câu chuyện đầu tư ngoài ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã lưu ý: Xét theo quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc đầu tư thì không sai nhưng nhiều đơn vị có cái không hay là lẽ ra phải làm tốt nhiệm vụ chính xong mới làm cái phụ thì chính lo chưa tốt đã nhảy sang phụ.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ yêu cầu thoái vốn nhưng việc thoái phải có lộ trình và đảm bảo yêu cầu không làm thất thoát vốn Nhà nước. “Có cơ hội là thoái nhưng không phải bằng mọi giá, cần thiết thì báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyện đó” - Phó Thủ tướng nói.

Riêng với phần vốn đọng trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và có ý kiến cụ thể với từng trường hợp, làm sao để việc thoái vốn trong lĩnh vực này đạt hiệu quả và bảo toàn tiền vốn nhà nước nhất trong khả năng có thể.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tổng số vốn đầu tư ngoài ngành cần phải thoái của các tập đoàn, tổng công ty vào khoảng 23.000 tỷ đồng; Tính đến tháng 10/2015, đã thoái được chừng 9.000 tỷ đồng; (một số đã nhận được cổ tức hơn 4.000 tỷ đồng) hiện còn lại khoảng hơn 16.000 tỷ đồng chủ yếu đọng tại hai lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Các doanh nghiệp đều thừa nhận thoái vốn ngoài ngành đang gặp khó và nhiệm vụ thoái hết trong năm nay là không thể hoàn thành.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM