Thị trường ôtô quý I: Tăng trưởng tốt bất chấp nhiều nỗi lo

27/04/2015 08:20 AM |

Vẫn là những con số tăng trưởng đẹp, tháng 3 đã khép lại quý đầu tiên của năm 2015. Thị trường ôtô Việt Nam với mức tiêu thụ 48.707 xe đã tăng 62% doanh số so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với những háo hức về sự thành công của mức tiêu thụ như kỳ vọng, thị trường ôtô Việt Nam trong quý I cũng nóng lên trước số phận của ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước sau cột mốc 2018.

Khởi đầu đầy phong độ

Mặc dù được xem là tháng thấp điểm sau mùa mua sắm náo nhiệt dịp Tết Âm lịch, doanh số trong tháng 3 vẫn cao, cụ thể lượng xe bán ra lên đến 16.399 chiếc, vượt trội so với 11.647 xe của cùng kỳ năm ngoái và cho thấy dự đoán 2015 là năm bùng nổ của thị trường ôtô Việt Nam đang trở thành hiện thực.

Theo tổng kết ba tháng đầu năm của VAMA, Thaco thể hiện rõ sức mạnh khi nâng thị phần của họ lên đến 35,9% nhờ sức bật mạnh mẽ của hai thương hiệu Kia và Mazda. Nắm giữ trong tay những mẫu xe ăn khách nhất hiện nay, thị phần của riêng Mazda hay Kia cũng đủ sức vượt mặt vị trí thứ 3 trong bảng tổng sắp là Ford.

Chỉ nắm giữ 26,6%, sự sụt giảm đáng kể về thị phần chiếm giữ của Toyota trong quý I có lẽ đến từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Trong khi các thương hiệu khác liên tiếp giới thiệu những mẫu xe hay phiên bản mới thì Toyota vẫn chưa có gì mới cả. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu của Vios, Innova hay Fortuner có lẽ sẽ vẫn được Toyota duy trì, chưa kể trong thời gian tới, Camry phiên bản mới cùng với Fortuner 2016 thay đổi diện mạo sẽ sớm chính thức ra mắt giới tiêu dùng.

Vị trí thứ 4 vẫn thuộc về Honda với 4,6% thị phần, bám sát phía sau là GM với 3,7% thị phần cùng khả năng bứt phá cũng khá mạnh mẽ (trong tháng 3, GM đã bất ngờ vượt mặt Honda để giành vị trí thứ 4).

Những con số thống kê của VAMA cũng cho thấy các thương hiệu đang san sẻ thị phần cho nhau rõ rệt hơn, chẳng hạn Vinastar hay Suzuki đều nâng được doanh số.

Bên cạnh đó, sự thành công của thị trường đầu năm cũng được minh chứng bằng sự tăng tốc của Mercedes-Benz khi đạt được doanh số quý cao nhất khi bán được lên đến 721 xe, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mẫu C-Class góp phần đáng kể (388 chiếc, tăng đến 168% so với cùng kỳ năm trước).

Sự thành công của MBV tại Việt Nam cũng mang tính tất yếu khi thương hiệu này cũng vừa gặt hái được nhiều danh hiệu cao quý tại Triển lãm ôtô New York 2015 như “Xe của năm 2015” dành cho C-Class thế hệ mới, “Xe sang của năm” dành cho S-Class coupé và “Xe hiệu năng cao của năm” dành cho Mercedes AMG GT.

Cùng với MBV, thương hiệu Ford cũng đã có một quý đầu năm thành công mỹ mãn sau nhiều nỗ lực thay đổi. Sự vượt trội của Ranger, Everest, EcoSport và Transit đã giúp Ford xác lập được kỷ lục mới với 3.848 xe đã bán được, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2014.

 Ford Ecosport

Trên từng phân khúc, vị trí quán quân trong quý I vẫn là những cái tên quen thuộc. Cụ thể, ở hạng A là Kia Morning (1.450 xe), ở hạng C là Mazda 6 (587 xe), ở SUV năm chỗ là Mazda CX-5 (1.056 xe), ở hạng B là Toyota Vios (3.253 xe), ở SUV bảy chỗ là Toyota Fortuner (2.123 xe), ở MPV là Toyota Innova (2.009 xe), ở SUV cỡ nhỏ là Ford Ecosport (897 xe), ở pick up là Ford Ranger (1.200 xe), ở minibus là Ford Transit (1.028 xe).

Toyota Vios

Tăng nhiệt với cột mốc 2018

Chưa bao giờ số phận của ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam được quan tâm và bàn luận sôi nổi như vài tháng qua. Bức tranh đang được phác họa dường như khiến nhiều người bị não lòng bởi sự hiện diện của quá nhiều gam màu xám. Nhiều cảnh báo được đưa ra vốn đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua và đến thời điểm này có lẽ cơn sốt đang bước vào đỉnh điểm khi chính Toyota Việt Nam đã chính thức lên tiếng về khả năng có thể dừng cuộc chơi sau năm 2018.

Với 721 xe bán ra, quý I-2015 là quý thành công nhất lịch sử của MBV

Theo Tổng cục Hải quan, ước tính trong quý I đã có khoảng hơn 25.000 chiếc ôtô được nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi lượng xe nhập khẩu tiêu thụ theo ghi nhận của VAMA là 14.429 chiếc, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, lượng xe nhập khẩu đang trên đà tăng nhanh tại thị trường Việt Nam kể từ năm 2014.

Sau tuyên bố tạm thời rút lui khỏi công nghiệp lắp ráp nội địa của Mitsibishi, giờ đến lượt Toyota cũng đang thể hiện thái độ dao động khiến bức tranh về tương lai của ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam từng nhận được rất nhiều những ưu ái và kỳ vọng nay trở nên xám xịt.

Khả năng có thể tạo sóng cho ngành sản xuất ôtô Việt Nam trong ba năm tới hay đơn giản là làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển ngành này sau cột mốc 2018 giờ đây có lẽ thuộc về các cấp quản lý vĩ mô. Vấn đề mà thị trường nói chung và người tiêu dùng nói riêng quan tâm chính là liệu giá xe tại Việt Nam có giảm nhiều không khi thuế nhập khẩu không còn tồn tại?

Nhiều nhận định từ giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có thuế nhập khẩu thì giá xe hơi tại Việt Nam vẫn sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay. Điều này có thể được minh chứng ở những năm trước khi có sự điều chỉnh giảm theo lộ trình nhưng giá bán xe vẫn không thay đổi.

Thứ được đem ra mổ xẻ nhiều nhất lại chính là thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu đang được áp dụng theo nhóm dung tích nhiên liệu của xe với ba mức, cụ thể là 45% cho các dòng xe có dung tích 1,5-2,5 lít, 50% cho xe có dung tích 2,5-3,5 lít và 60% cho xe có dung tích 3,5-6 lít.

Để có thể bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách từ việc cắt bỏ thuế nhập khẩu, khả năng phí thu thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được điều chỉnh tăng với những lý do như hạn chế lượng xe lưu thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông… Do đó, cơ hội được mua những chiếc xe với mức giá bằng với nhiều quốc gia khác của người Việt Nam vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Kia Morning

Điều gì sẽ xảy ra đối với thị trường ôtô Việt Nam sau năm 2018? Có thể câu trả lời sẽ là “Không có gì thay đổi!”. Thứ nhất, đối với ngành sản xuất lắp ráp xe nội địa thì không cần phải chờ đến thời điểm sau năm 2018, mà bản thân nó đã gần như “dậm chân tại chỗ” trong suốt gần 20 năm qua cho dù đã nhận được nhiều hỗ trợ và ưu ái. Cho nên khả năng sụp đổ là điều đã được tiên liệu, ngoại trừ có một phép thần kỳ nào đó.

Thứ hai, khả năng người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải mua xe với mức giá cao hơn nhiều so với người tiêu dùng tại các quốc gia khác vẫn tồn tại.

Cuối cùng, thị trường ôtô Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng mới trong những năm sắp tới vì nhu cầu mua sắm ôtô vẫn cao, bất chấp việc Việt Nam có thể hoàn toàn phải nhập khẩu xe hơi và giá xe không giảm. Điều này được suy luận từ thực tế đã diễn ra trong thời gian qua, nhất là sự tăng trưởng liên tục của thị trường từ năm 2013 đến nay.

>> Công nghiệp ôtô: Quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ

Theo NAM LONG

Cùng chuyên mục
XEM