Thị trường gia dụng: Tâm lý sính ngoại khiến doanh nghiệp nội lâm nguy

13/02/2016 08:38 AM |

Tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt vẫn là lực cản đối với các doanh nghiệp nội. Với ngành hàng gia dụng, cao cấp đã có các thương hiệu Elmich, Bosch..., thấp cấp thì có cả ngàn mặt hàng Trung Quốc giá rẻ, chưa kể đến hàng loạt các đối thủ cạnh tranh từ Hàn Quốc, Thái Lan. “Nguy cơ mất thị trường là rất lớn...”, Chủ tịch HĐQT Sunhouse nhìn nhận.

Ngành gia dụng sẽ là ngành cực kỳ triển vọng trong 3 năm tới nhưng doanh nghiệp Việt đang đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse – cho biết tại một tọa đàm về ngành hàng gia dụng diễn ra cách đây ít lâu.

Triển vọng thị trường rất lớn, nhưng có dành cho doanh nghiệp Việt?

Theo ông Phú, ngành gia dụng sẽ là ngành cực kỳ triển vọng trong 3 năm tới do 2 yếu tố.

Thứ nhất, đây là ngành sử dụng chứ không kinh doanh vật liệu cơ bản. Đặc biệt khi giá bán lẻ thành phẩm gần như ít thay đổi trong khi giá các loại vật liệu cơ bản đang trong chu kỳ giảm và sẽ dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong vòng 3 năm tới.

Thứ hai, ngành gia dụng là ngành không yêu cầu công nghệ quá cao, sử dụng nhiều lao động. Đây vốn là thế mạnh của Trung Quốc trong thời gian qua.

Tuy nhiên thời gian tới, giá nhân công của Trung Quốc sẽ tăng nhanh khi thu nhập người dân đã phát triển, Trung Quốc không thể tiếp tục thực hiện chiến lược giá rẻ này. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường nhiều tiềm năng thay thế Trung Quốc trong xuất khẩu với sự dịch chuyển thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong khi tiềm năng của ngành gia dụng nói chung và ngành gia dụng inox nói riêng còn rất lớn, doanh nghiệp Việt trong ngành này hiện vẫn còn một số điểm yếu. Theo phân tích của ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám Đốc trung tâm Nghiên cứu – CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam, sản phẩm, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp nội không có nhiều sự khác biệt, dễ sao chép.

Bên cạnh đó, nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… bị áp thuế chống bán phá giá từ 3% - 37% khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nội cao hơn so với chi phí đầu vào của các doanh nghiệp ngoại.

Trên thị trường hàng gia dụng Việt Nam, xét về phân khúc cao cấp, rất nhiều thương hiệu thế giới bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam như: Elmich, Bosch… đón đầu tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt. Tại phân khúc thấp cấp, hàng ngàn sản phẩm Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam, chưa kể đến các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc...

“Thách thức đặt ra là hiện nay hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc,… sẽ cũng được hưởng lợi từ thuế 0%. Điều này sẽ đem lại lợi thế cho các công ty thương mại và bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước”, ông Phú nói.

Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây không phải là lợi thế của các doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp thuần Việt cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức do thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính vĩ mô, chưa đi sâu vào từng ngành hay những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như nhân lực”.

Ông Phú cũng đưa ra dự báo: Trong vòng 3-5 năm nữa, doanh nghiệp thuần Việt sẽ cực kỳ khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân. Trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng.

Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước khoảng 12,5 – 13 tỷ USD với mức phát triển cao hơn bình quân. Năm 2014 giá trị bán lẻ tăng 10,65% trong khi giá trị nhóm hàng này tăng từ 12 đến 14%. Trong 11 tháng đầu năm 2015, những con số này lần lượt là 9,44% và 14,9%.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM