Thế lưỡng nan của Ả Rập Xê-út

19/02/2016 21:58 PM |

Kể cả khi các nước OPEC nhất trí giảm sản lượng, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn sẽ ở trên mức mà Ả Rập Xê-út mong muốn.

Ngày 16/2, Nga, Ả Rập Xê-út, Venezuela, và Qatar đã nhất trí không vượt quá sản lượng của tháng trước. Nhiều người coi đây là một bước đột phá để giải quyết tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các nước trên sẽ tiến hành cắt giảm sản lượng. Để hiểu được động thái tiếp theo của OPEC, trước tiên ta cần biết được bối cảnh dẫn đến tình trạng hiện nay.

Trong lịch sử, OPEC và Ả Rập Xê-út (nước chiếm 30% tổng sản lượng của OPEC) đã từng hợp tác để cân bằng nguồn cung dầu trên toàn cầu. Các nước này đã cùng áp đặt sản lượng tối đa để ngăn chặn nguồn cung dầu vượt quá mức đem lại lợi nhuận cho các nước sản xuất.

Chiến lược ổn định giá này đã có hiệu quả tương đối trong một vài năm cho đến khi cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ và việc Nga tham gia thị trường lấy mất thị phần của khối trên.

Vì thế, kể từ cuối mùa hè năm 2014, nguồn cung dầu bắt đầu đi theo một xu hướng mới, OPEC không còn có thể hạn chế sản lượng để cân bằng thị trường toàn cầu nữa.

Giá dầu bắt đầu giảm và trước thềm cuộc họp thường niên của OPEC vào tháng 11/2014, các nước đã thấy rằng hiện tượng trên không phải là một dấu hiệu bất thường mà là một hành động có chủ đích.

Xu hướng trên đã chính thức đánh dấu một chuyển biến lịch sử trong chiến lược của OPEC, tức là tìm cách bảo vệ thị phần toàn cầu thay vì ổn định giá.

Nói tóm lại, mục tiêu của khối là đánh bật các nước sản xuất dầu chi phí cao (OECD/Mỹ và Nga) để giảm nguồn cung và làm cho giá dầu tăng trở lại sau khi đã loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.

Một năm rưỡi đã trôi qua và Ả Rập Xê-út đã học được 3 điều:

1. OPEC đã đánh giá thấp sự bền bỉ của ngành dầu mỏ Mỹ

Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đã cắt giảm ngân sách, tập trung vào các giếng dầu có chi phí thấp nhất và sinh lãi nhiều nhất và cải tổ mạnh mẽ để có hiệu suất cao hơn. Điều này cho phép họ giảm sâu giá hòa vốn và ổn định sản lượng.

Kết quả là sản lượng của các nước OECD gần như không đổi trong năm qua, từ 26 đến 27 triệu thùng/ngày bất chấp giá dầu đã giảm 70%.

2. Chính sách mới của “OPEC” thực chất là chính sách của Ả Rập Xê-út

Ả Rập Xê-út, nước sản xuất dầu nhiều và có ảnh hưởng nhất trong khối OPEC, đã lặp lại sai lầm trong lịch sử khi thực hiện chiến lược của mình.

Lần gần nhất Ả Rập Xê-út cắt giảm đáng kể sản lượng để giảm tình trạng thừa cung là vào thập niên 1980 nhưng giá dầu đã không phục hồi sớm như dự kiến và khiến nước này mất cả thị phần và doanh thu.

Ả Rập Xê-út biết rằng khi nước này cắt giảm sản lượng, các nước sản xuất chi phí cao và sản lượng thấp trong khối OPEC đã gian lận và không thực sự hạn chế sản lượng.

Tuy nhiên, lần này Ả Rập Xê-út còn đánh mất nhiều thứ hơn khi cắt giảm sản lượng vào đầu năm 2015 trong khi đang phải cạnh tranh quyết liệt với Nga để giành thị phần ở Trung Quốc.

3. Ả Rập Xê-út và các chuyên gia dầu mỏ đã đánh giá thấp tầm quan trọng của tỷ giá hối đoái và chính sách tiền tệ trong việc dự đoán giá hòa vốn

Các dự báo về kịch bản giá dầu thấp trong năm 2015 chủ yếu được dựa trên chi phí hòa vốn, và ở các quốc gia như Nga và Ả Rập Xê-út thì doanh thu từ dầu chiếm phần lớn đóng góp cho ngân sách chính phủ.

Đúng là doanh thu từ dầu chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách chính phủ của Nga và Ả Rập Xê-út, có một khác biệt quan trọng giữa hai nước mà các chuyên gia kinh tế từ OPEC cho đến IMF đã bỏ qua.

Khi Fed kết thúc chương trình nới lỏng định lượng và bắt đầu lên kế hoạch tăng lãi suất vào cuối năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã dừng cố định tỷ giá của đồng rúp theo đồng USD dựa trên dự đoán rằng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá.

Điều này có nghĩa là đồng rúp Nga sẽ được thả nổi, cho phép các lực lượng thị trường quyết định tỷ giá hối đoái thay vì để ngân hàng trung ương can thiệp. Và khi giá dầu sụp đổ, giá rúp so với giá USD cũng sụp đổ theo.

Nhưng vì dầu được định giá bằng USD nên dù giá dầu sụt giảm, doanh thu từ dầu được định giá bằng đồng rúp vẫn gần như không đổi.

Trái lại, Ả Rập Xê-út đã cố định tỷ giá đồng nội tệ với USD, và do đồng USD tăng mạnh và giá dầu lao dốc, doanh thu của nước này đã sụt giảm mạnh. Điều này đã khiến cho Ả Rập Xê-út phải dùng hết gần 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối vào năm 2015.

Tình hình còn bi đát hơn khi Nga dần lấy mất thị phần ở Trung Quốc của Ả Rập Xê-út trong năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Ả Rập Xê-út chỉ tăng 2,1% lên 46,08 triệu tấn trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Nga tăng 28% lên 37,62 triệu tấn.

Vậy thì Ả Rập Xê-út có tiếp tục giảm sản lượng không? Câu trả lời rất có thể là có. Vì mục tiêu đánh bật các đối thủ cạnh tranh đã hoàn toàn thất bại cho đến thời điểm này, việc từ bỏ chiến lược trên sẽ đồng nghĩa với ném hàng tỷ USD xuống biển.

Có một thực tế là các nước sản xuất dầu thuộc OPEC (đặc biệt là Iran) và không thuộc OPEC vẫn sẽ tiếp tục tăng sản lượng nếu Ả Rập Xê-út hạn chế sản lượng. Do đó, kể cả khi các nước nhất trí giảm sản lượng, nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ ở trên mức mà Ả Rập Xê-út mong muốn.

Thỏa thuận hôm 18/2 giữa Ả Rập Xê-út, Nga, Quatar và Venezuela về việc không vượt quá sản lượng của tháng một nhưng không cắt giảm sản lượng nữa, chỉ là một động thái mang tính biểu tượng.

Tuyên bố này được đưa ra ở thời điểm Nga đang sản xuất dầu ở mức kỷ lục và dự đoán là sẽ giữ nguyên sản lượng trong năm tới. Tức là điều này sẽ không giúp cân bằng cung cầu như kỳ vọng.

Trong dài hạn, dường như chỉ có hai lựa chọn khả thi cho Ả Rập Xê-út. Một là tiếp tục con đường hiện tại với hy vọng rằng đối thủ cạnh tranh của nước này sẽ giảm sản lượng và (khả năng cao hơn) hai là loại bỏ tỷ giá cố định với đồng USD và cho phép đồng riyal thả nổi như đồng rúp Nga.

Xét đến dự trữ ngoại tệ trị giá 600 tỷ USD của Ả Rập Xê-út và đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở thị trường Châu Á là Nga chứ không phải Mỹ, về mặt chiến lược cả hai lựa chọn đều có lợi hơn cắt giảm sản lượng vào thời điểm hiện tại.

Theo Đức Long

Cùng chuyên mục
XEM