Thế giới nửa đầu 2015: Bất ngờ, tiếc thương, phấp phỏng lo lắng và sốc!

22/07/2015 09:23 AM |

Đây là những cung bậc cảm xúc mà thế giới phải trải qua trong suốt nửa đầu năm 2015.

Thế giới đang bước vào những ngày cuối tháng 7, tức là đã hơn nửa năm 2015 trôi qua với vô số những sự kiện lớn nhỏ. Chúng ta đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ “sốc” tột độ với chứng khoán Trung Quốc đến lo lắng phấp phỏng về tương lai Hy Lạp hay niềm tiếc thương với sự ra đi của cha đẻ Singapore hiện đại Lý Quang Diệu.

Sau đây, chúng tôi xin tóm gọn lại những sự kiện đáng nhớ nhất, gây chú ý và nhận được sự quan tâm của nhiều người nhất để độc giả có cái nhìn toàn cảnh về những gì diễn ra trên thế giới trong suốt nửa đầu năm 2015.

Bất ngờ khi 1 USD = 1 Euro

Khoảng giữa tháng 3/2015, giới tài chính không khỏi bất ngờ khi Euro rớt giá mạnh trong khi USD tăng vọt, khiến cặp tỷ giá euro/USD gần như tiến tới mốc 1 euro = 1 USD. Đây được cho là một diễn biến lịch sử bởi trường hợp 2 đồng tiền ở mức ngang giá xảy ra chỉ một lần duy nhất khi ra mắt vào năm 1999.

Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến sự kiện này được cho là nằm ở chính sách tiền tệ khác nhau của ECB và Fed (ECB vẫn giữ lãi suất ở mức thấp trong khi Fed đang chuẩn bị nâng lãi suất và giảm cung tiền).

Cả Mỹ và eurozone đều áp dụng chính sách thả nổi tỷ giá, giá của hai đồng tiền này đều được quyết định bởi yếu tố thị trường (bao gồm cung và cầu) chứ không phải bởi chính phủ. Trong khi đó, đồng bạc xanh có xu hướng trội hơn là bởi nó trở thành lựa chọn thay thế tốt cho đồng euro. Đồng thời, không ai có thể chối cãi về sức mua đang ngày càng tăng lên của đồng USD ở các thị trường nước ngoài.

Sự kiện này gây ảnh hưởng không nhỏ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu trở nên đắt đỏ hơn trong khi doanh thu mang về từ bên kia bờ Đại Tây Dương bị sụt giảm giá trị. Trong khi USD tăng giá gây tổn hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở Mỹ, người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu lại được hưởng lợi.

Tiếc thương sự ra đi của cha đẻ Singapore hiện đại - Lý Quang Diệu

Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Cộng Hòa Singapore, ông đảm nhận chức vụ này từ năm 1959 đến 1990. Dù không còn giữ chức vụ Thủ tướng nhưng ông vẫn được xem là một trong những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Singapore.

Với mỗi người dân Singapore, không ai có thể quên công ơn của ông Lý khi biến hòn đảo nhỏ bé trở thành một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất thế giới như ngày hôm nay. Thậm chí, có thể nói Singapore sẽ không được như ngày hôm nay nếu không có ông Lý Quang Diệu.

Tháng 2/2015 ông Lý phải nhập viện do viêm phổi. 3h18 phút ngày 23/3/2015, ông Lý trút hơi thở cuối tại bệnh viện Quốc gia Singapore. Đã có khoảng 10 nghìn người không ngại nắng mưa xếp hàng để tiễn biệt ông Lý lần cuối trong suốt 7 ngày quốc tang. Các chính trị gia, người dân trên toàn thế giới cũng bày tỏ niềm thương tiếc khôn nguôi với ông – vị cha đẻ khai sinh ra đất nước Singapore hiện đại.

Phấp phỏng lo lắng cho tương lai Hy Lạp

Bắt đầu từ khoảng đầu tháng 6, thế giới không khỏi lo lắng cho tương lai của Hy Lạp khi nước này tuyên bố khoản nợ nước ngoài khổng lồ 243 tỷ euro (271 tỷ USD), trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất. Tình hình trở nên ngày càng cấp bách khi chính phủ Hy Lạp và phía các chủ nợ mãi giằng co trong những cuộc đàm phán và thương lượng mà không đưa ra được bất kỳ kết luận nào.

Đồ hoạ theo VietnamPlus

Trong khi đó, Hy Lạp dần rơi vào tình trạng cạn tiền và đỉnh điểm nhất là vào ngày 29/6, toàn bộ hệ thống ngân hàng Hy Lạp đóng cửa và chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Đến ngày 30/6, Hy Lạp đã đưa ra quyết định liều lĩnh nhưng không bất ngờ khi chính thức tuyên bố họ sẽ không trả khoản nợ 1,7 tỷ USD của IMF. Như vậy, Hy Lạp chính th rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Chưa bao giờ tình trạng ở Hy Lạp lại hỗn loạn đến vậy, người dân đổ xô đi rút tiền, những gương mặt thất vọng, lo sợ về tương lai của đất nước ngập tràn trên đường phố.

Hình ảnh một cụ ông ngồi khóc vì không rút được tiền.

Mãi cho tới ngày 13/7, Hy Lạp mới đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về những cải cách cần thiết để bắt đầu bàn về gói cứu trợ thứ 3 trong 5 năm và quốc gia này sẽ vẫn ở lại Liên minh châu Âu.

Đây dù được xem là bước tiến mới đáng kể trên bàn đàm phán tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi với câu hỏi, liệu có tiền trong tay, Hy Lạp có lại thất hứa, lại chìm trong nợ nần và lại vỡ nợ hay không? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn yêu cầu một đất nước đang chìm trong suy thoái kép và có hệ thống ngân hàng tê liệt thắt chặt hầu bao hơn nữa?

Sốc vì chứng khoán Trung Quốc: Tăng 190% trong 1 năm, giảm 30% trong 1 tháng

Đầu tháng 7, cả thế giới không khỏi bất ngờ trước thông tin chỉ số Shanghai Composite đã giảm 24% so với mức đỉnh được lập hôm 12/6, khiến ít nhất 2.400 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi”. Những ngày sau đó, người ta dùng từ “hoảng loạn” để miêu tả về tình hình thị trường chứng khoán của Trung Quốc.

Trong khi các chỉ số chứng khoán chính tiếp tục giảm mạnh, phía chính phủ lại tỏ ra chậm chạp và thất bại trong việc ổn định thị trường. Bằng chứng là đến ngày 8/7, vẫn có thêm hàng trăm công ty tuyên bố ngừng giao dịch, nâng con số này lên 1.476 trong tổng số 2.808 công ty niêm yết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra đổ vỡ thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, một tin đồn xuất phát từ bài viết trên Wechat của người dùng có nickname “Kevin” đổ lỗi cho hệ thống của HOMS gây ra sự sụp đổ chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây.

Bài biết nói rằng hệ thống HOMS đã tự động đóng những giao dịch kỹ quỹ, tăng tính bất ổn từ đó dẫn đến áp lực bán ra nhiều hơn trên thị trường. Giữa tháng 7, phía nhà chức trách Trung Quốc cũng đã xác nhận việc cử một đội điều tra đến công ty Hundsun để “kiểm tra việc thực hiện các quy định trên thị trường chứng khoán”, người phát ngôn của Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc là Deng Ge nói tuy nhiên ông này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM