Thế giới lao đao vì hàng hóa Trung Quốc

08/06/2015 17:03 PM |

Năng lực sản xuất dư thừa và đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc lại gây sức ép lên giá cả hàng hóa, nhưng lần này là sức ép giảm giá.

Nội dung nổi bật:

- Năng lực sản xuất đang gia tăng tại Trung Quốc đã làm thay đổi ngành công nghiệp Mỹ.

- Các nguyên nhân khác còn có nguồn cung dầu thô mới ở Nam Mỹ và tăng trưởng ì ạch tại châu Âu.

- Tuy nhiên, Trung Quốc, với quy mô quá lớn của nó, cũng như vai trò trung tâm trong nền sản xuất toàn cầu và độ phủ rộng khắp, khiến cho nước này trở thành một nhân tố quan trọng.


Liu Zijun đã xây dựng một cơ sở sản xuất lốp xe ăn nên làm ra khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Nhưng khi tăng trưởng nước này chậm lại, ông đã phải cắt giảm giá để duy trì hoạt động. Giờ nỗi đau của các ông chủ doanh nghiệp như Liu đang lan ra khắp thế giới.

Tại các cánh đồng cây cao su ở Đông Nam Á, những ông chủ đồn điền đang ráo riết cắt giảm giá mủ để làm hài lòng khách hàng tại Trung Quốc. Tại Mỹ, các nhà phân phối lốp xe đang phải giảm giá và một số sa thải nhân công khi hàng hóa giảm giá từ Trung Quốc tràn ngập thị trường này.

“Năng lực sản xuất đang gia tăng tại Trung Quốc đã làm thay đổi ngành công nghiệp Mỹ”, Brian Grant, Giám đốc Điều hành Del-Nat Tire Corp, một nhà phân phối lốp xe của Mỹ, nhận xét. Công ty này đã phải rút khỏi ngành vào đầu năm nay sau khi thua lỗ lớn ở hàng tồn kho do mua với giá cao trước đó.

Cách đây hơn 10 năm, công nhân giá rẻ từ các vùng quê đổ xô về các nhà xưởng Trung Quốc, giúp giảm giá đối với mọi thứ từ áo sơ mi đến xe cộ. Nhưng sau đó, nhu cầu bùng nổ của nước này đối với các loại hàng hóa như dầu, bông đã làm tăng mạnh giá cả tài nguyên thiên nhiên. Giờ năng lực sản xuất dư thừa và tốc độ tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc một lần nữa gây sức ép lên giá cả hàng hóa và lần này là sức ép giảm giá.

Các nhà sản xuất sữa tại New Zealand, các nhà khai thác than tại Úc và những người trồng mía tại Brazil đã và đang cắt giảm giá sau khi “lỡ” quá lạc quan về nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc. Còn các nhà sản xuất Trung Quốc, do bị tác động bởi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và năng lực sản xuất thừa, đang ra sức đưa hàng ra nước ngoài.

Trung Quốc chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho giá cả suy yếu. Các nguyên nhân khác còn có nguồn cung dầu thô mới ở Nam Mỹ và tăng trưởng ì ạch tại châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quy mô quá lớn của nó, cũng như vai trò trung tâm trong nền sản xuất toàn cầu và độ phủ rộng khắp, khiến cho nước này trở thành một nhân tố quan trọng.

Hàng giá rẻ Trung Quốc đang gây áp lực giảm phát lên nhiều nền kinh tế - Nguồn: tourdulichhongkong.net

Hàng giá rẻ Trung Quốc đang gây áp lực giảm phát lên nhiều nền kinh tế- Nguồn: tourdulichhongkong.net

Giá tiêu dùng đối với lốp xe tại Mỹ đã giảm 23 trong số 32 tháng qua, với mức giảm 6,5% kể từ tháng 7.2012, theo Bộ Lao động. Giá cả tất cả các loại hàng hóa nhập trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ cũng giảm 20 trong số 38 tháng qua.

Đối với người tiêu dùng Mỹ, đó là tin tốt lành. Nhưng đối với các nhà làm chính sách và doanh nghiệp, giá cả giảm là một thách thức lớn. Giá giảm có thể làm xói mòn tính sinh lợi của doanh nghiệp, kiềm hãm đầu tư và tăng lương, trong khi đây là những điều cần đạt được để đưa thế giới thoát khỏi tăng trưởng ì ạch.

Giá cả dịch vụ tại Mỹ đang xấp xỉ chỉ tiêu lạm phát 2% hằng năm của FED. Nhưng giá cả hàng hóa Mỹ, vốn bị tác động nhiều bởi làn sóng thương mại toàn cầu (đặc biệt là quan hệ thương mại với Trung Quốc), đang thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu lạm pháp của FED kể từ năm 2012 và rơi vào giảm phát năm 2013. Tính chung, chỉ số lạm phát giá cả tiêu dùng Mỹ hằng năm của FED chỉ 0,1% tháng 4 vừa qua.

Tại châu Âu, giá cả hàng hóa giảm đầu năm nay đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải mạnh tay nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Vào tháng 4, giá cả tiêu dùng tại khu vực này hầu như không nhúc nhích.

Trong khi đó, giá cả tại các nhà máy Trung Quốc đã giảm hơn 3 năm qua, buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phải nới lỏng các điều kiện tín dụng và giảm chi phí đi vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các quan chức PBOC lo ngại các động thái như vậy có thể khiến cho vấn đề thêm tồi tệ khi dòng tiền giá rẻ khiến cho năng lực sản xuất thừa của Trung Quốc càng thừa hơn. Từ đó, càng gây sức ép lên các nền kinh tế trên khắp thế giới.

Câu chuyện về ngành lốp xe Trung Quốc có thể cho thấy phần nào tác động của nước này đối với thế giới. Từ năm 2000-2013, sản xuất lốp xe Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên mức khoảng 800 triệu lốp/năm khi nước này trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới, theo Fredonia Group. Phần lớn trong số này được xuất ra nước ngoài.

Vấn đề ngày càng tồi tệ kể từ năm 2009 khi Trung Quốc thực hiện kích thích kinh tế để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào lúc nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại khoảng 7% năm nay thì sản lượng đã vượt xa cầu.

Theo Liên đoàn Công nghiệp xăng dầu và hóa chất Trung Quốc, hơn 300 nhà sản xuất lốp xe tại Trung Quốc hoạt động chỉ 70% công suất, thấp hơn nhiều so với mức 85% mà giới chuyên gia kinh tế nói rằng là cần thiết để tạo ra lợi nhuận. Xuất khẩu lốp xe Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2000-2013.

Guangrao, thuộc miền Đông Trung Quốc, là đại bản doanh của 200 nhà máy sản xuất lốp. Trong đó có Yongsheng Rubber Group, nơi ông Liu Zijun giữ chức Tổng Giám đốc. Khi thị trường lên cơn sốt, Yongsheng đã đẩy mạnh đầu tư.

Công ty đã bỏ ra gần 1,5 tỉ nhân dân tệ (242 triệu USD) để hoàn thành 2 nhà máy mới vào năm ngoái, nâng công suất lên mức 18 triệu lốp xe mỗi năm từ mức 15 triệu. Nhưng giờ thì rõ ràng các nhà lãnh đạo Yongsheng đã quá lạc quan. “Tôi làm ở Công ty được 6 tháng, mà sản phẩm công ty chúng tôi đã giảm giá tới 4 lần”, Huang Jianning, một nhân viên kinh doanh của Yongsheng, cho biết hồi tháng 2.

Tại Del-Nat, giá giảm quá mạnh cũng khiến họ lao đao. Del-Nat chủ yếu mua lốp từ Yongsheng rồi bán lại kiếm lời. Khi Yongsheng và các công ty Trung Quốc khác bắt đầu giảm giá, Del-Nat bị kẹt với mớ hàng tồn kho cũ giá cao.

Vấn đề càng tồi tệ hơn sau khi hàng xuất khẩu giá rẻ của Yongsheng và các nhà sản xuất lốp Trung Quốc khác rơi vào tầm ngắm của Mỹ năm ngoái. Trong một động thái ban đầu, Mỹ đã áp Yongsheng mức thuế 81,29%. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào mùa hè này.

Liu cho biết công ty của ông đã rút khỏi cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ vì không thể nào cung cấp mọi thông tin như yêu cầu trong một thời gian quá ngắn. Nhận thấy sản phẩm lốp của mình khó cạnh tranh được ở Mỹ do bị áp mức thuế cao, Yongsheng đã ngưng xuất sang thị trường này.

Điều đó khiến Del-Nat không còn nhà cung cấp chính cho một số nhãn hàng bán chạy nhất của mình. Thua lỗ đã đành, Del-Nat cũng không làm sao trở tay kịp để tìm nhà cung cấp thay thế. “Thế là hết, chúng tôi không thể nào gượng dậy nổi”, ông Grant, CEO của Del-Nat cho biết.

Ông đã nhanh chóng bán tháo hàng tồn kho vào tháng 1.2015 với giá 23 triệu USD, chỉ bằng 85% mức giá mà Del-Nat đã mua. Phân nửa nhân viên của Công ty đã ra đi hoặc bị cho nghỉ việc.

Theo Đàm Hoa

Cùng chuyên mục
XEM