Thấy ruồi, ống hút, lợn cợn trong chai nước, làm thế này là hay nhất

25/12/2015 15:52 PM |

Sau tất cả những gì liên quan đến dị vật trong đồ ăn, thức uống, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức lên tiếng hướng dẫn người tiêu dùng.

Theo Cục quản lý cạnh tranh, trong thời gian qua, vụ việc tranh chấp giữa ông Võ Văn Minh và Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát liên quan đến chai nước ngọt có ruồi đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Kết quả Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên phạt ông Võ Văn Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Dù vụ việc đang dần khép lại nhưng vẫn gây nhiều hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Một trong những lo lắng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm là cách thức tiến hành khiếu nại hành vi sai phạm (nếu có) của doanh nghiệp như thế nào để không bị coi là vi phạm các quy định pháp luật

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo hoạt động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý người tiêu dùng một số nội dung như sau:

Đầu tiên, về Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể có nhiều cách lựa chọn khác nhau:

Thứ nhất, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng.

Thứ hai, người tiêu dùng có thể nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào khác đủ năng lực);

Thứ ba, người tiêu dùng có thể sử dụng phương thức trọng tài (nếu phương thức này được thỏa thuận trước đó khi xác lập giao dịch);

Thứ tư, người tiêu dùng có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật (có hoặc không kèm theo yêu cầu hòa giải) của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí.

Tiếp theo, Cách thức tiến hành thương lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung sau để đảm bảo yêu cầu đưa ra không vi phạm các quy định pháp luật:

- Thương lượng trên cơ sở thông tin thực tế và rõ ràng. Chỉ khi có dấu hiệu cho thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng mới nên tiến hành khiếu nại và thương lượng với doanh nghiệp.

- Yêu cầu của người tiêu dùng phải hợp lý và phù hợp với tính chất và mức độ của vụ việc

Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thiệt hại phát sinh trong quá trình tiêu dùng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là xác định mức thiệt hại như thế nào để đảm bảo yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với các quy định pháp luật.

Có một số yếu tố người tiêu dùng phải cân nhắc trước khi đưa ra yêu cầu đền bù thiệt hại.

Thứ nhất, thiệt hại phải có tính thực tế và có thể chứng minh. Ví dụ, người tiêu dùng mua một hộp sữa, khi phát hiện sản phẩm bị hỏng do quá trình bảo quản của người bán, thiệt hại liên quan ở đây nên là số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua hộp sữa. Doanh nghiệp có thể hoàn tiền, đổi sản phẩm kèm theo một số hỗ trợ hoặc ưu đãi cho các lần mua hàng hóa, dịch vụ…

Trong nhiều trường hợp, để chứng minh rằng người tiêu dùng là người mua sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể yêu cầu người tiêu dùng cung cấp hóa đơn để xác nhận giao dịch.

Thứ hai, thiệt hại phải hợp lý, phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc. Có nhiều trường hợp, việc xác định mức thiệt hại liên quan không có đủ cơ sở, tài liệu để chứng minh, chủ yếu là các thiệt hại liên quan đến sức khỏe, danh dự.

Trong những trường hợp này, người tiêu dùng cần tham khảo nhiều yếu tố trước khi đưa ra mức yêu cầu bồi thường, ví dụ: giá trị hàng hóa, dịch vụ; chi phí có thể phát sinh để chữa bệnh, mua thuốc hoặc thực tế giải quyết các vụ việc tương tự khác…

Để thể hiện được sự thống nhất về nội dung thương lượng, người tiêu dùng nên đề nghị doanh nghiệp lập biên bản trong quá trình thương lượng hoặc sử dụng email để đảm bảo tính lưu vết thông tin của quá trình thương lượng.

Trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng toàn quyền đưa ra các yêu cầu về mức độ bồi thường.

Pháp luật không có quy định về mức tối đa mà các bên có thể bồi thường cho nhau. Việc xác định mức độ bồi thường hoàn toàn phụ thuộc và tính chất, mức độ của vụ việc và thiện chí của các bên liên quan.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý: việc đưa ra yêu cầu đền bù thiệt hại không có cơ sở thực tế và kèm theo những thông tin có tính chất đe dọa gây thiệt hại tới uy tín, danh dự, tài sản của tổ chức cá nhân kinh doanh nếu không được đáp ứng có thể dẫn tới khả năng vi phạm pháp luật.

Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo, người tiêu dùng cần thực hiện phương thức thương lượng theo đúng quy định của pháp luật đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan khác.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM