Thất thu do thuốc lá lậu trên 4.000 tỉ đồng/năm

25/10/2013 14:08 PM |

Mỗi năm, lượng thuốc lá nhập lậu bình quân khoảng 800 triệu bao, Nhà nước thất thu ngân sách từ 4.000-4.200 tỉ đồng/năm

Nội dung nổi bật:

- Mỗi năm, lượng thuốc lá nhập lậu bình quân khoảng 800 triệu bao, Nhà nước thất thu ngân sách từ 4.000-4.200 tỉ đồng/năm (khoảng 400 triệu USD). Kéo theo lượng nguyên liệu mất khoảng 17.000 tấn/năm.

- Lợi nhuận buôn lậu thuốc lá rất cao (khoảng 30 lần so với kinh doanh hợp pháp) nhưng quy định pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng buôn lậu từ 1.500 bao trở lên, nên nhiều đối tượng xé nhỏ hàng để lách luật.



Mỗi năm, thuốc lá lậu gây thất thu cho ngân sách trên 4.000 tỉ đồng tiền thuế. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2013, đã có trên 500 triệu bao thuốc lá lậu tuồn vào nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng, phá hoại nền sản xuất trong nước... Đó là những bức xúc, kiến nghị được đưa ra tại hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, SXKD thuốc lá giả Hà Nội do Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức đầu tuần này.

“Chảy máu” ngoại tệ do thuốc lá lậu

Theo Hiệp hội Thuốc lá VN, thuốc lá nhập lậu thường có kiểu dáng hấp dẫn lôi kéo người sử dụng, trên bao bì không có bất kỳ sự khuyến cáo nào như thời gian sử dụng, tác hại đến sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh về các chất sử dụng trong thuốc lá điếu. Mỗi năm, lượng thuốc lá nhập lậu bình quân khoảng 800 triệu bao, Nhà nước thất thu ngân sách từ 4.000-4.200 tỉ đồng/năm (khoảng 400 triệu USD). 

Kéo theo lượng nguyên liệu mất khoảng 17.000 tấn/năm (tương đương với diện tích trồng là 9.000ha cây thuốc lá), gây khó khăn cho người trồng thuốc và cũng kéo theo mất việc làm của gần 40.000 lao động thời vụ. Ngoài ra, thuốc lá lậu cũng gây thiệt hại cho các DN SXKD thuốc lá điếu trong nước mỗi năm khoảng 300 tỉ đồng.

Đại diện TCty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) ông Trịnh Long Hoàng cho biết: Tình hình nhập lậu thuốc lá ngoại liên tục tăng, thuốc lá lậu chiếm khoảng 18- 22% lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường trong nước. Cụ thể: Năm 2011 là 750 triệu bao, chiếm 18,2%; năm 2012 là 900 triệu bao, chiếm 21,6%, nếu tiếp tục đà này thuốc lá nhập lậu vào VN có thể lên tới 1 tỉ bao/năm. Cá biệt, có một số địa phương thuốc lá lậu đã chiếm thị phần tiêu thụ lớn như TPHCM (53%), các tỉnh Nam Bộ (37%), miền Trung (9%) và miền Bắc (3%).

Theo Cục Quản lý thị trường – QLTT (Bộ Công Thương), nguyên nhân chính dẫn đến tình hình buôn lậu thuốc lá gia tăng và diễn biến phức tạp là do lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu ngoại cao, gấp 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp. Quy định pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng buôn lậu từ 1.500 bao trở lên, nên nhiều đối tượng xé nhỏ hàng để lách luật. 

Công tác phối hợp giữa các lực lượng còn hạn chế, quá trình tổ chức thực hiện còn chồng chéo, thụ động. Phó Cục trưởng Cục QLTT Đỗ Thanh Lam cho rằng: “Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá trái phép nhưng thực trạng này vẫn diễn ra công khai trên cả 3 tuyến biên giới Bắc, Trung và Tây Nam”.

Thuốc lá lậu lợi nhuận gấp 30 lần

Theo Ban chỉ đạo 127 T.Ư, việc buôn lậu thuốc lá đã làm kìm hãm sự phát triển, cạnh tranh của các DN SXKD trong nước, xâm phạm đến quyền lợi của người sử dụng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến biên giới phía bắc, miền Trung và Tây Nam. Thủ đoạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngày càng tinh vi.

Đối tượng buôn lậu sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân cũng như chính sách thương mại biên giới, sung người dân vào “đội quân” vận chuyển thuốc lá lậu. Nhiều vụ việc, các đối tượng buôn lậu kéo theo hàng chục người vận chuyển thuê cướp lại hàng bị thu giữ. Thuốc lá giả nhập lậu thường được xếp cùng hàng thật đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay bày bán ở các quán nước vỉa hè... khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát. 

Trong khi đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá rất cao (khoảng 30 lần so với kinh doanh hợp pháp), cụ thể như một bao Jet, Hero lãi từ 5.000 -6.000 đồng/bao, trong khi kinh doanh hợp pháp lãi chỉ 200 đồng/bao.

Hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ 1.5.2013 quy định rõ tất cả các sản phẩm nội địa phải thực hiện in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh gây “sợ hãi” cho người sử dụng. Hoạt động buôn lậu thuốc lá sẽ tăng lên với quy mô và mức độ cũng  táo bạo và tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Do vậy, Nhà nước cần bổ sung kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu. 

Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền cho cả người bán và người sử dụng về tác hại của thuốc lá nhập lậu, cũng như tăng mức xử phạt đối với các hành vi kinh doanh hoặc bao che cho việc vận chuyển, tàng trữ và buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Theo Đặng Tiến

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM