Thái Lan đẩy mạnh chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”

09/12/2015 08:14 AM |

Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố kế hoạch hỗ trợ 450 doanh nghiệp trong chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OTOP) nhằm thúc đẩy đưa các sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Đây là một phần trong kế hoạch của Chính phủ Thái Lan nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương để tăng cường hơn nữa sự đóng góp của ngành chế biến nông sản vào thu nhập của nền kinh tế.

Để triển khai kế hoạch này, Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp lớn như tập đoàn PTT, AOT… để đưa các sản phẩm này vào các trạm xăng, cửa hàng miễn thuế nhằm hỗ trợ mở rộng kênh tiếp thị và phân phối; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp thiết kế sản phẩm, tạo thương hiệu mới, phát triển bao bì, đóng gói và tìm kiếm kênh phân phối ra nước ngoài.

Theo Bộ Thương mại, Thái Lan hiện có khoảng 2.661 sản phẩm OTOP và 148 trạm xăng của PTT đang bán các sản phẩm này.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” hình thành và phát triển đầu tiên tại Nhật Bản.

Qua gần 25 năm, sự thành công và kinh nghiệm của phong trào đã lôi cuốn không chỉ các địa phương trên khắp Nhật Bản mà còn lôi cuốn rất nhiều các quốc gia khác quan tâm tìm hiểu và áp dụng.

Thái Lan là một trong nước triển khai thành công nhất OTOP.

Nước này đã phát động phong trào OTOP từ năm 2001 theo đó chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.

OTOP đã được chứng minh là một chính sách ổn định xã hội hiệu quả trong việc cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn Thái Lan, giúp họ tăng thu nhập thông qua việc sản xuất và tiếp thị hiệu quả các sản phẩm truyền thống độc đáo với giá trị gia tăng cao.

Sự thành công của OTOP tại Thái Lan đã khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình như mô hình mang tên “Satu Kampung Satu Produk” tại Brunei và Malaysia; “Balik Desa” ở Indonesia hay “One Tambon One Product” tại Campuchia.

Theo Sơn Nam

Cùng chuyên mục
XEM