TGĐ May 10: “Tại sao phải trả trợ cấp thất nghiệp khi người lao động nhảy việc tanh tách?”

22/03/2015 15:26 PM |

Bên cạnh kiến nghị về trợ cấp thất nghiệp, sếp May 10 cũng kiến nghị cân nhắc việc tăng lương tối thiểu nhằm thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Nội dung nổi bật:

- “Chi phí lương và thu nhập của người lao động chiếm hơn 50% trong cơ cấu chi phí doanh nghiệp may gia công. Nếu chúng ta cứ tăng lương tối thiểu thế này thì cản trở đầu tiên là nước ngoài sẽ quan tâm tới việc có đầu tư tại Việt Nam hay không... Chúng ta không để bần cùng hóa người lao động nhưng cũng không thể lấy một mức không hợp lý để đưa vào”

- May 10 phải bỏ ra 2 – 3 tỷ đồng/năm để trả cho trợ cấp thất nghiệp. “Trong khi chúng tôi đang rất cần người lao động, người lao động cứ “nhảy tanh tách” từ công ty này sang công ty kia. Tại sao phải trả trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động chúng ta cần?”


Tại Diễn đàn CEO 2015: Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh diễn ra vào chiều 20/3/2015, trả lời câu hỏi điều gì khiến doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhất đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho hay: “Việc đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài hỏi chúng tôi là liệu lương tối thiểu sẽ tăng như thế nào?”

Theo bà Huyền, chi phí lương và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực may gia công chiếm hơn 50% chi phí doanh nghiệp đối với một doanh nghiệp làm ăn bình thường. Đối với doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, tỷ trọng này còn lớn hơn nữa.

“Nếu chúng ta cứ tăng lương tối thiểu thế này thì cản trở đầu tiên là nước ngoài sẽ quan tâm tới việc có đầu tư tại Việt Nam hay không. Đây là một trong những vấn đề chúng ta cần xem xét kỹ... Chúng ta không để bần cùng hóa người lao động nhưng cũng không thể lấy một mức không hợp lý để đưa vào” – bà Huyền phản ánh.

Theo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động do Chính phủ ban hành cuối năm 2014, kể từ 1/1/2015, lương tối thiểu vùng của các đối tượng trên sẽ tăng từ 250.000 – 400.000 đồng/tháng, ở mức 2.150.000 đến 3.100.000 đồng/tháng tùy theo vùng.

Bên cạnh đó, bà Huyền cũng đưa ra 2 vấn đề không hợp lý trong vấn đề kinh doanh.

Một là, trợ cấp thất nghiệp. “Trong khi chúng tôi đang rất cần người lao động, người lao động cứ “nhảy tanh tách” từ công ty này sang công ty kia. Quỹ trợ cấp thất nghiệp cũng đang là một vấn đề. Tại sao phải trả trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động chúng ta cần?” – bà Huyền chất vấn.

“Có lao động lười, đến để nhận lương đào tạo, rồi cứ 5 tháng một lại “nhảy”. Đơn vị chúng tôi có hình ảnh, phải làm việc với bên công an để kiểm tra những vị nào chỉ đến để lấy lương của doanh nghiệp là không nhận. Tôi đề nghị chỉ khi nào doanh nghiệp không bố trí được việc làm thì mới trả trợ cấp thất nghiệp cho lao động”.

Bà Huyền cho biết, trước năm 2009, mỗi năm May 10 phải trả 2 - 3 tỷ đồng cho khoản trợ cấp này.

Hai là, giờ làm thêm. Bà Huyền cho rằng Việt Nam đang là nước có thu nhập thấp, nhưng lại quy định giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm trong khi ở Indonesia, mức này là 600 giờ/năm... Bà Huyền cho rằng quy định này sẽ làm giảm chính khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ban, ngành làm việc với doanh nghiệp để thay đổi hạn chế này.

>> Ngành Dệt may: Cả thế giới chọn Việt Nam là đối tượng cạnh tranh

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM