Tại sao Nhật thua xa Mỹ, Hàn trong sản xuất phim điện ảnh?

11/12/2015 14:39 PM |

Nói đến ngành phim điện ảnh Nhật, hình như người yêu điện ảnh thế giới chẳng nhớ được gì nhiều ngoài phim người lớn và anime!

Ngành sản xuất phim yếu kém của Nhật

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất phim Nhật cho thấy ngành phim Nhật sản xuất ra 615 bộ phim trong năm 2014. Con số đó bao gồm cả những phim dành cho thiếu nhi cho đến những phim người lớn, thế nhưng dù tính theo cách nào đó vẫn là một con số rất lớn. Tuy nhiên rất ít phim được bán ra nước ngoài và nếu bán cũng chẳng thu được nhiều lợi nhuận

Đi khắp các rạp chiếu phim lớn nhất tại London, Paris và New York, hiếm khi người ta thấy phim Nhật. Còn tại thị trường châu Á, chủ yếu phim Nhật được chiếu theo hình thức phi lợi nhuận.

Doanh thu của một loạt phim Nhật thành công nhất tại các thị trường nước ngoài cũng chỉ như “chú lùn” nếu so với những “người khổng lồ” tại kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ. Ví như phim Doraemon chỉ thu về gần 100 triệu USD từ các thị trường ngoài Nhật dù được trình chiếu tại rất nhiều nước. Phim Dragon Ball Z: Resurrection 'F' thu về 50 triệu USD dù được công chiếu tại đến 74 nước.

Khi phim điện ảnh không mấy thành công, các nhà làm phim Nhật chuyển sang phát triển phim anime. Họ đã thành công hơn với loại này. Khi mà thị trường nội địa ngày một thu hẹp, người Nhật đang cố gắng phát triển anime thành một biểu tượng văn hóa của Nhật.

Phim anime thành công nhất của Nhật cho đến nay là Spirited Away, bộ phim từng giành giải thưởng điện ảnh năm 2003. Khoảng 85% trong tổng số 275 triệu USD doanh thu từ các thị trường nước ngoài.

Khi đặt nhiều kỳ vọng vào việc quảng bá và kiếm tiền từ phim anime ở nước ngoài, các nhà làm phim Nhật lại đối diện với một khó khăn, đó là kinh phí. Phần lớn các công ty sản xuất và kinh doanh phim anime tại Nhật là những công ty nhỏ, chính vì vậy dù họ muốn phát triển ra nước ngoài, họ không có đủ tiền để “địa phương hóa” các nội dung, ngoài ra, vấn đề bản quyền cũng là một thách thức lớn khi mà tình trạng sao chép lậu diễn ra rất phổ biến ở nhiều nước châu Á.

Cấu trúc nhân khẩu học của Nhật cũng tác động rất nhiều đến doanh thu của các nhà làm phim Nhật. Dân số Nhật giảm 260 nghìn người vào năm 2014 và tình trạng già hóa dân số rất tồi tệ. Nhóm dân số dưới 25 tuổi hiện chỉ chiếm 20% tổng dân số và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.

Trong bối cảnh lực lượng khán giả trong nước ngày một ít ỏi, ngành làm phim Nhật sẽ phải cố gắng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường nước ngoài nếu muốn tồn tại.

Những nỗ lực để thay đổi tình hình

Tất nhiên các nhà làm phim Nhật và cả chính phủ Nhật không “khoanh tay đứng nhìn”. Chính phủ Nhật thành lập ra quỹ Cool Japan với mục tiêu quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài, trong đó có kênh phim ảnh.

Được thành lập năm 2013, quỹ Cool Japan đặt mục tiêu xuất khẩu càng nhiều sản phẩm văn hóa và dịch vụ của Nhật càng tốt, trong đó bao gồm phim hành động, anime, và nhiều sản phẩm nội dung khác.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đưa ra chương trình 6 tỷ yên nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm quảng bá văn hóa. Một số dự án đã được thực thi bao gồm việc làm phụ đề tiếng Anh và tiếng Ý cho phim Ran của đạo diễn Akira Kurosawa trong liên hoan phim Venice năm nay.

Đối với các bộ phim chiếu rạp, các nhà sản xuất phim cũng đã ngồi lại với nhau để chỉ ra điểm yếu của các nhà làm phim Nhật và lý do tại sao những bộ phim đó không thể được biết đến nhiều bên ngoài biên giới nước này.

Nguyên nhân thứ nhất, bản thân các hãng phim cũng tự cảm thấy họ không cần thiết phải mở rộng thị trường ra bên ngoài bởi bao lâu nay họ vẫn thu hồi đủ vốn từ việc phát hành phim trong nước.

Cho đến trước khi chương trình Cool Japan được công bố, chính phủ Nhật vẫn khá thờ ơ với việc quảng bá sản phẩm điện ảnh của Nhật ra nước ngoài. Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính phủ nước này thành lập hẳn một nhóm chuyên trách quảng bá điện ảnh Hàn Quốc, nhóm phải báo cáo kết quả làm việc trực tiếp với những người đứng đầu Bộ Văn hóa và chính phủ.

Thế nhưng việc phim Nhật điện ảnh Nhật kém phổ biến tại châu Á cũng như trên thế giới, theo lý giải của Torel Takahashi và Takamatsu Yagasa, hai nhà làm phim nổi tiếng của Nhật, còn là bởi chính phong cách làm phim bao nhiêu năm qua vẫn không thay đổi tại nước này.

Nội dung các phim thương mại thường rất dễ đoán, người xem chỉ cần ngồi nửa phim đã có thể biết điều gì chuẩn bị diễn ra và kết thúc sẽ như thế nào. Ngoài ra, các nhà làm phim có một “niềm tự hào Nhật” quá cao đến nỗi dường như họ không muốn tiếp thu xem khán giả thế giới đang xem những cái gì để mà điều chỉnh. Các nhà làm phim Nhật thực ra đang chỉ cắm cúi làm phim mà không hiểu khán giả của mình thích cái gì.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM