Tại sao Nhật Bản đứng đầu châu Á về tăng trưởng du lịch hàng năm?

25/09/2015 15:22 PM |

Từ một quốc gia không mấy nổi bật về du lịch, Nhật trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á với mức tăng trưởng về số lượng khách qua các năm cao nhất khu vực.

Một đất nước với truyền thống văn hóa giàu có và đặc sắc như Nhật nhưng lại thu hút không nhiều du khách, thông tin có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng đáng tiếc nó lại là sự thật.

Cho đến đầu năm 2013, một thống kê của chính phủ Nhật cho thấy, nếu tính tương đương ra đồng yên, du lịch Nhật mang lại cho nước Nhật mỗi năm 900 tỷ yên, con số này chỉ bằng 1/5 của Pháp, 1/3-1/4 của Anh hay Đức và 1/12 của du lịch Mỹ.

Trên thực tế, chương trình phát triển du lịch quốc gia của Nhật đã chính thức được khởi động từ năm 2003. Từ năm 2013, sau khi Nhật Bản chính thức giành quyền đăng cai Thế Vận hội mùa hè 2020, chính phủ của Thủ tướng Abe lên kế hoạch phát triển du lịch mạnh hơn nữa để du lịch trở thành một ngành mũi nhọn của Nhật.

Nỗ lực từ địa phương

Novega và các bạn bè của cô cảm thấy rất hạnh phúc khi họ được chính quyền tỉnh Niigata mời tham gia một chuyến du lịch ra đảo Sado kéo dài 5 ngày. Tại đây họ sẽ được gặp gỡ rất nhiều sinh viên quốc tế đến từ rất nhiều nước khác cũng được tỉnh Niigata mời tới. Họ không cần phải trả bất kỳ chi phí nào.

Yêu cầu duy nhất đối với những người tham gia chuyến du lịch ngắn ngày này đó là: hãy đăng tải thật nhiều ảnh lên mạng xã hội Facebook trong suốt thời gian tham gia chuyến đi và trong khoảng 1 tuần sau khi chuyến đi kết thúc. Hãy viết những lời khen, lời bình luận thật tốt đẹp về nó.

Những lời mời tham dự các chuyến đi như trên không còn hiếm nữa. Trên khắp nước Nhật có khoảng 37 trường đại học quốc tế (chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài). Khi trường đó ở tỉnh nào, chính quyền tỉnh đó luôn cố gắng tổ chức các chuyến đi tham quan tỉnh miễn phí cho sinh viên quốc tế để quảng bá hình ảnh của tỉnh ra nước ngoài.

Đảo Sado - Nhật Bản.

Không dừng lại ở những nỗ lực ở quy mô nhỏ như trên, từ năm 2014, chính quyền các tỉnh còn đưa ra hẳn chương trình đại sứ văn hóa. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ tuyển đại sứ cho hình ảnh của mình. Yêu cầu dù khá khắt khe nhưng mức lương rất rộng rãi. Bất kỳ người nước ngoài nào có thẻ cư trú tại Nhật, trình độ tiếng Nhật N2, có tài khoản Facebook với số lượng bạn bè ít nhất khoảng 300, có thói quen thường xuyên đăng ảnh khi đi chơi sẽ được phép nộp hồ sơ dự tuyển.

Khi tham gia vào chương trình này, người được chọn sẽ nhận được mức thù lao khoảng 120 nghìn yên/tháng. Đổi lại, người đó sẽ được yêu cầu liên tục đăng tải những hình ảnh/clip về những điểm du lịch mới tại địa phương, tham gia các chuyến đi, chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng và tư vấn cho những người đến từ đất nước của họ có ý định đến Nhật du lịch. Mức thưởng sẽ cao hơn nếu người đó mời được khách đến tham quan tỉnh.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản, những kênh quảng bá hình ảnh đất nước như trên vô cùng thân thiện và gần gũi với du khách hơn so với cách dùng các phương tiện truyền thông thông thường.

Chính phủ cũng rất cố gắng thu hút khách du lịch

Chương trình phát triển du lịch quốc gia của Nhật đã chính thức được khởi động từ năm 2003. Từ đó đến nay, ngành du lịch Nhật đã trải qua một số thời kỳ khó khăn, đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và động đất sóng thần năm 2011.

Theo chính phủ Nhật, những cản trở đối với sự phát triển của du lịch Nhật bao gồm: quảng bá kém, chi phí đắt đỏ, bất đồng ngôn ngữ, hạ tầng công cộng kém. Và chính phủ Nhật đang cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề trên.

Những cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch bằng tất cả các ngôn ngữ được phát miễn phí tại khắp các điểm du lịch, ngoài ra tại các khu vực đông du khách luôn có nhân viên hướng dẫn viên tiếng Anh hoặc tiếng Trung.

Vấn đề hạ tầng công cộng kém ở đây không phải đề cập đến hệ thống giao thông hay cửa hàng tiện ích. Chưa kể, Nhật Bản còn sở hữu hệ thống nhà vệ sinh tốt và sạch nhất thế giới khiến mọi du khách đều hài lòng.

Vấn đề ở đây nằm ở hệ thống hạ tầng Internet. Tiếng Nhật không dùng hệ ký tự Latin, chính vì vậy du khách dù muốn cũng không thể tra cứu được. Tuy nhiên khi họ muốn tra cứu thông tin trên mạng thì ngay cả ở thời điểm hiện tại wifi vẫn là một điều rất xa xỉ đối với khách du lịch ở Nhật. Khắc phục vấn đề này, hàng nghìn biển hướng dẫn cũng như các modem wifi bằng tiếng Anh và tiếng Nhật được lắp đặt khắp nơi.

Ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn 5 năm nữa là đến Olympic, chính phủ Nhật đang nỗ lực đẩy nhanh sự tăng trưởng của ngành du lịch đang lên cao hơn bao giờ hết. Năm 2015, chính phủ đã đưa ra một chương trình hành động để đưa du khách đến những tuyến điểm du lịch mới. Theo lý giải của chính phủ, suốt nhiều năm qua, khách du lịch đến Nhật chủ yếu tập trung vào “tuyến đường vàng” bao gồm Tokyo, Nagoya, Kyoto và Osaka.

Từ năm tới, chính phủ sẽ kết hợp với chính quyền các tỉnh để tổ chức các chuyến đi đến tuyển điểm du lịch chưa được khai thác trên khắp đất nước, trải dài từ đảo Hokkaido ở cực Bắc nước Nhật cho đến Kyushu ở miền Nam. Những sáng kiến được đưa ra cho đến nay bao gồm việc tổ chức những chuyến đi biển giá rẻ, miễn chi phí đi lại tại nhiều khu nghỉ dưỡng và tắm nước nóng nổi tiếng.

Cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản còn có hẳn cả một kế hoạch dài hơi đối với việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch. Không chỉ hướng tới việc khuyến khích người nước ngoài sống tại Nhật để quảng bá về Nhật, mà họ còn muốn đưa bằng được người nước ngoài đến Nhật.

Cánh đồng hoa ở Hokkaido.

Một trong những chương trình rất thành công cho đến nay là việc tặng 10 nghìn vé máy bay khứ hồi từ bất kỳ nước nào trên thế giới cho những ai sở hữu tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo dõi để quảng bá cho nước Nhật và cơ quan quản lý du lịch Nhật đánh giá thấy hiệu quả.

Những nỗ lực trên của chính phủ Nhật đã mang lại nhiều hiệu quả. Từ năm 2003 đến nay, ngoại trừ năm khủng hoảng kinh tế 2009 và năm động đất sóng thần 2011, số lượng khách du lịch đến Nhật tăng đều qua các năm và đến năm 2014 đã vượt mức 10 triệu khách lần đầu tiên trong lịch sử. Trong nhóm 10 nước có nền du lịch phát triển nhất châu Á, Nhật thường xuyên đứng đầu về mức độ tăng trưởng khách hàng năm.

Đáng chú ý, dù Nhật và Trung Quốc có một số vấn đề căng thẳng chính trị nhưng không vì thế mà người Trung Quốc không du lịch Nhật. Du khách Trung Quốc thậm chí còn nằm trong nhóm khách tiêu xài mạnh tay nhất trên đất Nhật. Với những nỗ lực như hiện tại, mục tiêu đón 20 triệu khách du lịch của Nhật vào năm 2020 của Nhật hoàn toàn có thể đạt được.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM