Tại sao Argentina không thanh toán nổi khoản nợ 1,3 tỷ USD?

01/08/2014 08:52 AM |

Có lẽ không ít người đặt câu hỏi là vì sao Argentina không làm theo phán quyết của Tòa án Mỹ, bởi 1,3 tỷ USD không phải là số tiền vượt ra ngoài khả năng chi trả đối với Argentina vào thời điểm này.

“Thật không may, các bên không đạt được thỏa thuận nào và Argentina sắp vỡ nợ,” đó là tuyên bố của Luật sư Dan Pollack, trung gian đối thoại giữa Argentina và các chủ nợ Mỹ hôm 31/7, sau cuộc đàm phán cam go trong hai ngày giữa Bộ trưởng kinh tế Argentina, Axel Kicillof, và các quỹ đầu tư Mỹ trong nỗ lực cho tới phút chót.

Cuộc thương thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm sự đồng thuận với các quỹ này về khoản nợ 1,3 tỷ USD, để qua đó thuyết phục Tòa án liên bang Mỹ tại New York hoãn thi hành phán quyết và Argentina kịp thanh toán khoản nợ 539 triệu USD cho các chủ nợ đã tham gia chương trình tái cơ cấu nợ trước hạn chót 30/7.

Những nỗ lực cuối cùng


Phía Argentina cho biết họ đã đưa ra mọi giải pháp có thể, kể cả đề xuất cuối cùng là các ngân hàng thương mại của Argentina mua khoản nợ xấu mà các quỹ đầu tư mạo hiểm nắm giữ hòng ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm qua.

Vỡ nợ (default) trong trường hợp này được hiểu là không đáp ứng được nghĩa vụ và điều kiện về trả nợ, mặc dù Argentina vẫn có khả năng chi trả.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Argentina nhằm thuyết phục hai quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất NML Capital và Aurelius Capital Management, mà Bộ trưởng Kicillof nhiều lần ví von là “quỹ kền kền” đã không thành.

“Quỹ kền kền” là cụm từ ám chỉ những kẻ chuyên “săn” cổ phiếu chính phủ hay công ty với giá chỉ bằng 10-20% giá niêm yết sau đó thông qua tòa án để ép “con nợ” trả nguyên giá cộng lãi suất.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tòa lãnh sự Argentina ở New York (Mỹ) sau cuộc đàm phán, Bộ trưởng Kiciloff chỉ trích các quỹ đầu tư Mỹ - số 7,6% trái chủ không tham gia chương trình cơ cấu nợ của Chính phủ Argentina sau đợt vỡ nợ năm 2001 - đã từ chối thỏa hiệp.

Ông nói rằng các quỹ đầu tư Mỹ "tham lam một cách phi lý". Argentina đã đề nghị mức lợi nhuận lên tới 300% song các quỹ đầu tư Mỹ không chấp nhận. Các "quỹ kền kền" này đòi hỏi Argentina phải trả nhiều hơn, thanh toán toàn bộ và ngay lập tức.

Bộ trưởng Kicillof cho biết Argentina trên thực tế đã trả khoản nợ trị giá 539 triệu USD cho số 92,4% số trái chủ đã đồng ý tham gia hai chương trình tái cơ cấu nợ của chính phủ, bởi số tiền này hiện được gửi tại một ngân hàng được ủy thác ở Buenos Aires của ngân hàng Bank of New York Mellon. Bộ trưởng nhấn mạnh Argentina có tiền, đã trả và sẽ tiếp tục thanh toán.

Hành trình vỡ nợ

Vụ vỡ nợ của Argentina diễn ra sau khi Argentina không thực hiện phán quyết của Tòa án Mỹ đưa ra hồi giữa tháng Sáu vừa qua là phải thanh toán khoản nợ đã được tái cơ cấu trị giá 539 triệu USD cho các chủ nợ đã đồng ý tham gia hai chương trình tái cơ cấu nợ của Chính phủ năm 2005 và 2010.

Tuy nhiên, số tiền này bị Tòa án liên bang Mỹ tại New York phong tỏa.

Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại New York, Thomas Grieasa, đã ra phán quyết có lợi cho NML Capital và Aurelius Capital Management, theo đó sự phong tỏa nói trên chỉ được dỡ bỏ sau khi Argentina thanh toán toàn bộ khoản nợ trị giá 1,3 tỷ USD, cộng tiền lãi, cho hai quỹ này.

Việc không đạt được thỏa thuận nào với Tòa án, hay hai quỹ trên đồng nghĩa với việc Argentina lâm vào tình cảnh phá sản lần thứ hai trong 13 năm.

Lần phá sản trước diễn ra vào năm 2001 khi Argentina mất khả năng chi trả khoản nợ trị giá 100 tỷ USD. NML Capital và Aurelius Management chính là hai quỹ đã từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu của Buenos Aires sau lần phá sản năm đó.

Có lẽ không ít người đặt câu hỏi là vì sao Argentina không làm theo phán quyết của Tòa án Mỹ, bởi 1,3 tỷ USD không phải là số tiền vượt ra ngoài khả năng chi trả đối với Argentina vào thời điểm này.

Trong khi đó, mặc dù Chính phủ Argentina cũng đã rất nỗ lực trong việc đàm phán với phía Mỹ (dù rằng nỗ lực đó vẫn còn bị đảng đối lập chỉ trích quá muộn và chưa đủ để lật ngược tình thế), song “quê hương của điệu vũ tango đầy đam mê” vẫn không đủ “sức hấp dẫn” để có thể thuyết phục các chủ nợ nhằm tránh cho mình cảnh phá sản. Đây là điều vô cùng bất lợi vào thời điểm nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái và cuộc sống của đa số người dân rất khó khăn vì lạm phát tăng cao và đồng peso mất giá mạnh.

Vấn đề không chỉ đơn thuần là việc trả số tiền 1,3 tỷ USD. Điểm mấu chốt khiến Argentina rơi vào tình thế có thể là coi "ngàn cân treo sợi tóc" nằm ở chỗ nếu làm theo phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ tại New York và trả hết toàn bộ nợ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Argentina sợ rằng số 92,4% chủ nợ đã tham gia vào các chương trình tái cơ cấu nợ của chính phủ và đồng ý mất khoảng 70% giá trị số trái phiếu họ nắm giữ sau khủng hoảng năm 2001 cũng như số chủ nợ không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ đó cũng sẽ đòi được đối xử công bằng như NML Capital và Aurelius Management, theo điều khoản RUFO. Đây là điều khoản cho phép tất cả các chủ nợ của Argentina được đối xử bình đẳng, theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2014.

Khi đó, tổn thất sẽ lên tới mức nào? Argentina có thể sẽ mất tới 15 tỷ USD nếu các trái chủ không tham gia tái cơ cấu nợ khác đòi được hưởng ưu đãi tương tự và thậm chí có thể sẽ phải thanh toán số tiền lên tới 100 tỷ USD nếu toàn bộ các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu trước đó cũng đòi thanh toán 100% giá trị trái phiếu. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ khoảng 29 tỷ USD.

Dù lường trước được tình thế “một chân xuống vực,” nhưng Argentina không có lựa chọn nào khác. Bởi về phía các chủ nợ, họ đã đấu tranh từ 10 năm nay và không dễ dàng buông tha cho Argentina, cũng vì một lý do khác nữa.

Argentina hiện là quốc gia có trữ lượng khí đá phiến lớn thứ hai và dầu đá phiến lớn thứ tư thế giới. Các chủ nợ không thể bỏ qua nguồn lợi tài nguyên quý giá đó. Cũng vì lẽ này, các chủ nợ có vẻ cố làm cho giới đầu tư hoảng sợ không đầu tư vào Argentina để kiếm lợi riêng cho mình.

Hồi tuần trước, NML Capital và Aurelius Capital Management đã gửi đơn đến Tòa án California trong đó đề nghị sở hữu tài sản của tập đoàn dầu khí Argentina APF và của Chevron, nếu Argentina không trả nợ, mặc dù ý kiến chuyên gia Argentina cho rằng hành động “xiết nợ” này không có nhiều cơ hội thành công.

Giới phân tích cho hay hiện chỉ có vài công ty quốc tế đưa ra cam kết hỗ trợ việc thăm dò và khai thác các mỏ dầu, phần vì e ngại các chính sách năng lượng theo chủ nghĩa can thiệp của Chính phủ Argentina, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau khi họ không thể vay mượn trên thị trường tín dụng quốc tế kể từ sau đợt phá sản năm 2001.

Sau vỡ nợ, Argentina sẽ đối mặt với điều gì?

Luật sư Pollack đã cảnh báo “vỡ nợ” không đơn thuần là một thuật ngữ chỉ tình cảnh không thanh toán được nợ về mặt kỹ thuật, mà nó sẽ đem đến những tác động bất lợi thực sự về kinh tế và gây tổn thương cho người dân.

Ngay trước khi Bộ trưởng kinh tế Argentina đàm phán thất bại, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s đã xếp Argentina vào diện “vỡ nợ một phần.”

Bộ trưởng kinh tế Kiciloff đã phản đối động thái này của S&P với lý lẽ rằng tiền đã được trả trước vào tài khoản của ngân hàng Mỹ nhưng bị đóng băng theo lệnh của Tòa án Mỹ.

Trước đó, ngày 17/6, Standard and Poor’s đã hạ hai bậc xếp hạng nợ của Argentina, từ CCC+ xuống CCC- (dưới mức khuyến khích đầu tư 9 bậc) với triển vọng "tiêu cực."

Như vậy, Argentina đã bị rớt xuống vị trí quốc gia có mức xếp hạng thấp nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, Chính phủ Argentina liên tục bác bỏ những dự báo ảm đạm về tác động của nguy cơ vỡ nợ đối với nền kinh tế nước nhà.

Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng hậu quả của đợt vỡ nợ lần này sẽ không lớn bằng đợt vỡ nợ năm 2001, do tiềm lực kinh tế của Argentina mạnh hơn so với cách đây 13 năm. Hơn nữa, nó cũng không gây ảnh hưởng mạnh trên toàn cầu, bởi cho tới nay, nước này vẫn chưa được phép tham gia thị trường vốn thế giới.

Có thể vì lẽ này mà thông tin Argentina đàm phán không thành công và bị vỡ nợ dường như không thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư trên thị trường thế giới.

Tại Tokyo (Nhật Bản) chiều 31/7, đồng USD giảm nhẹ xuống 102,78 yen, tăng nhẹ lên 1,3394 USD đổi 1 euro và tăng so với hầu hết các đồng tiền châu Á khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không thể phủ nhận vỡ nợ sẽ làm sâu sắc thêm tình hình khó khăn của nền kinh tế vốn đã rơi vào suy thoái, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát - hiện đứng ở một trong những mức cao nhất của thế giới - và châm ngòi cho đợt mất giá nữa của đồng peso.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, giá cả tại nước này đã tăng tới 15%, tác động đến cuộc sống của người dân, còn riêng trong tháng Một, đồng peso đã mất giá tới 20%.

Trang tư vấn Abeceb.com dự báo trong trường hợp vỡ nợ, đến cuối năm 2014, GDP của Argentina sẽ giảm 3,5%, lạm phát hàng năm ở mức 41% và chi tiêu tiêu dùng giảm 3,8%.

Về tác động đối với thị trường hàng hóa thế giới, tình trạng vỡ nợ của nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ ba thế giới cũng có thể làm giá đậu tương tăng đáng kể.

Một đợt vỡ nợ nữa sẽ kéo dài thêm tình trạng Argentina bị “cô lập” khỏi thị trường vốn toàn cầu, cũng là đòn giáng vào nỗ lực quay trở lại thị trường tài chính toàn cầu kể từ sau khi nước này không thanh toán được khoản nợ 100 tỷ USD năm 2001.

Đợt phá sản năm 2001, được coi là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này, đã đẩy Argentina vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội mà cho tới giờ họ vẫn chưa thoát ra khỏi.

Trong nỗ lực thoát khủng hoảng, phục hồi tăng trưởng kinh tế và trở lại thị trường vốn, Argentina đã trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hồi tháng Năm đã nhất với Câu lạc bộ Pari về kế hoạch bắt đầu trả khoản nợ chưa trả từ lần vỡ nợ năm 2001 trị giá 9,7 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng vụ vỡ nợ lần này có thể coi như là “gáo nước lạnh” đổ lên tất cả những nỗ lực của Argentina trong thời gian qua.

>> Argentina cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm

Theo Như Mai

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM