Tái cơ cấu nông nghiệp: Lúng túng đến bao giờ?

25/05/2015 08:59 AM |

Sản xuất nông nghiệp vẫn ở trình độ thấp,chủ yếu là mô hình hộ cá thể, theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuấtvùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường. Những hạn chế củangành nông nghiệp đã trở thành nội dung được nhắc đến nhiều nhất ngay đầu kỳ họpthứ 9 của Quốc hội Khóa XIII.

Nội dung nổi bật:

- Chủ nhiệm UB Kinh tế ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.

- Hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.

- Một số chuyên gia nhận xét, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là những vấn đề căn cơ của cả nền kinh tế. Nếu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cứ khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp vẫn bước đi nặng nề như vậy, thì con đường để Việt Nam tiến lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chắc sẽ còn nhiều chông gai.


Mặc dù, tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn luôn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, sự trầm trọng của vấn đề đầu ra sản phẩm nông nghiệp đã diễn ra ở nhiều nơi, trong thời gian gần đây, khiến cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp càng trở nên cấp bách.

Ào ào sản xuất, chật vật tiêu thụ

Trình bày báo cáo đánh giá của UB Kinh tế (Quốc Hội), Chủ nhiệm UB Kinh tế ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.

Một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc gây phiền hà và tác động không nhỏ đến phát triển KT-XH tại các vùng miền, địa phương.

Bàn về tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân, UB Kinh tế đánh giá, mặc dù, Chính phủ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.

Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp và đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án tái cơ cấu nội ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, thủy lợi, đổi mới cơ chế chính sách, tái cơ cấu đầu tư công, phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Cùng với đó, Chính phủ cũng tiến hành hàng loạt chính sách như quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn quốc gia trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, mở thị trường mới cho một số loại hoa quả...

Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì đã chỉ ra tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra). Hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) của Bộ NN-PTNT rất có ý nghĩa để tạo ra sản phẩm sạch và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, việc áp dụng còn nhiều khó khăn do người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo. Trong khi đó, sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vẫn được tiêu thụ một cách dễ dàng, nên nông dân không mặn mà tuân thủ các tiêu chuẩn.

Việc nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Mặc dù, cử tri và nhân dân phấn khởi về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm.

Xác định lợi thế để tập trung đầu tư

Để khắc phục những hạn chế trên, cử tri kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích DN và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục về mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế. Qua đó, ngư dân có thể hiện đại hóa nhanh đội tàu, nâng cao hiệu quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.

Về phía UB Kinh tế, cơ quan này cho rằng, đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất.

Đồng thời, Chính phủ nên quan tâm đến việc tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình HTX kiểu mới. Thông qua các mô hình này để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ đảm bảo đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu, tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu giải quyết cơ bản bất cập xảy ra gần đây.

Một số chuyên gia nhận xét, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là những vấn đề căn cơ của cả nền kinh tế. Nếu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cứ khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp vẫn bước đi nặng nề như vậy, thì con đường để Việt Nam tiến lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chắc sẽ còn nhiều chông gai.

>> Năm 2020: Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Bá Tú

Cùng chuyên mục
XEM