Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Ba “nhịp cầu” kết nối

31/10/2015 08:39 AM |

Có rất nhiều câu hỏi nảy sinh về công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) trong giai đoạn 2011-2015. Trả lời được các câu hỏi đó một cách công bằng chính là bắc một nhịp cầu để kết nối hệ thống NH hôm nay, tới diện mạo tương lai.

Ba câu hỏi về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong gần 4 năm qua và vẫn đang được đặt ra cả ở giai đoạn này, mà theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, rất cần có câu trả lời, là:

Thứ nhất, thực chất của bước tiến mà quá trình tái cơ cấu ngân hàng đạt được là gì? Thứ hai, sau hơn 3 năm quyết liệt thực thi, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đấy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu? Thứ ba, tiếp tục quá trình đó, triển vọng của công cuộc tái cơ cấu này sẽ ra sao? Trả lời được những câu hỏi này, theo TS Trần Đình Thiên hệ thống ngân hàng xác định được “số phận” của mình trong tương lai, hay nói cách khác là trong tương lai, “số phận” của hệ thống NH phụ thuộc rất nhiều vào đáp án của những câu hỏi đó.

Bước tiến đầu tiên

Thực chất, bước tiến của quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã được NHNN – cơ quan quản lý và chủ trì trực tiếp quá trình tái cơ cấu hệ thống – xác định ngay từ trong đề án được ban hành kèm Quyết định số 254/QÐ-TTG, ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là đề án 254).

Đề án này đã đưa ra các mục tiêu chung đến năm 2020 và đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2015, xác định rõ các quan điểm, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện tái cơ cấu các TCTD (TCCD) Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Riêng đối với các NHTM, đề án chia các NH thành hai nhóm đối tượng: ngân hàng thương mại Nhà nước và NHTM cổ phần. Trong đó, NHTM cổ phần lại được chia thành ba nhóm: Nhóm lành mạnh, nhóm thiếu thanh khoản tạm thời và nhóm yếu kém. Trên cơ sở đó, Đề án cũng đã đưa ra các định hướng và giải pháp tái cơ cấu khác nhau đối với từng nhóm ngân hàng.

Theo đó, Chính phủ cũng vạch ra những lộ trình cụ thể. Giai đoạn tái cơ cấu 2011- 2014 tập trung chủ yếu vào xử lí các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng thiếu thanh khoản. Giai đoạn 2015 là một sự “nâng cấp mới” của sắp xếp và tái cơ cấu hệ thống. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ, nửa đầu năm 2015 được xác định là thời gian cao điểm và các ngân hàng lớn phải vào cuộc – xem như nhiệm vụ phải làm.

Vietcombank, BIDV hay Vietinbank đều đã và đang chính thức tham gia sáp nhập với các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn để vừa hỗ trợ, vừa tăng quy mô và “kéo” nhau cùng phát triển. Vietcombank có thương vụ với SaigonBank và đồng thời cũng đang cử nhân sự, nguồn lực chia sẻ hỗ trợ NHNN với “gánh” tái cơ cấu ở một số các ngân hàng còn chưa đạt hiệu quả tái cơ cấu như: ngân hàng Xây dựng, Eximbank, Đông Á Bank.

Vietinbank đang trong quá trình thực thi sáp nhập PGBank và cũng cử người, chia sẻ nguồn lực cho ngân hàng Ocean Bank với chủ sở hữu 100% vốn là NHNN.

BIDV đã nhận sáp nhập MHB – như một tâm điểm của đột phá M&A để có NH lớn mạnh ở tầm khu vực và vươn tay cánh tay cho mọi thị trường trên cả nước. BIDV cũng tham gia hỗ trợ cho NHNN “làm bà đỡ” thực thi thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa ba tổ chức trong hệ thống nhà băng vào cuối 2011, khởi lên làn sóng M&A để tái cấu trúc mạnh mẽ…

Thống đốc NHNN cũng từng khẳng định: điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại những đơn vị yếu kém. Theo đó, tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác.

Như vậy, ở giai đoạn 1, NHNN chọn hướng xử lý “khủng hoảng”. Ở giai đoạn 2 là tiếp tục xử lí những vấn đề còn tồn đọng và củng cố sự ổn định, đồng thời tạo nền tảng để hệ thống bước vào giai đoạn mới: Giai đoạn hậu tái cấu trúc. Tái cấu trúc ngân hàng đã rõ ràng và không đi theo hướng “rối đâu gỡ đấy”. Mỗi một bước đi đều có tính toán và phù hợp với điều kiện Việt Nam, thể hiện sự quyết liệt và sáng tạo của những người làm ngành ngân hàng.

Gỡ vướng “tâm bệnh”

Cũng theo TS Trần Đình Thiên, tuy được đánh giá là đã làm được nhiều việc, thậm chí là đạt được những kết quả tích cực vô cùng rõ rệt, song quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý; đồng thời, trước mỗi cách làm, mỗi kết quả mà quá trình này đạt được, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Ngành NH đã tái cơ cấu thành công nhưng cũng không thể chỉ “chăm chăm” vào các vấn đề cụ thể đang đối mặt mà phải có một tầm nhìn xa – cả về hai phía, phía đã qua và phía sắp tới. “Nhìn về phía sau để biết và hiểu thấu đáo tại sao phải tái cơ cấu, để nhận diện đúng mình trong hiện tại, với tất cả các điểm mạnh, điểm yếu và cả khuyết tật phải sửa. Còn nhìn về phía trước, đương nhiên, như đã nói, để biết hệ thống NH được kỳ vọng trở thành cái gì sau tái cơ cấu trong tính khả thi của quá trình tái cơ cấu. Bất kỳ sự ảo tưởng hay hạ thấp mục tiêu nào đều chứa đựng khả năng dẫn tới sự sai lầm trong chiến lược hành động”, ông Thiên khẳng định.

Nhìn về phía sau với các bài học về tái cơ cấu để nhận diện đúng mình trong hiện tại, những vướng mắc của ngành NH, cũng theo bình luận của TS Trần Đình Thiên, đó là nhận diện “tâm bệnh” – di sản của một thời kì phát triển quá nóng và không chú trọng quản trị hệ thống.

Nhận diện được “tâm bệnh” này không dễ bởi NHNN cũng phải đi từng bước, từ bắt buộc đến khuyến khích tự nguyện để các NH chấp nhập sáp nhập, mất tên, thậm chí để nhiều cổ đông NH chịu vốn góp với tư cách các chủ sở hữu khi NHNN mua lại với mức giá 0 đồng. Qua những tấm gương cụ thể, các vướng mắc về lơ là thanh khoản, phát triển quy mô nhanh hơn so với tốc độ phát triển năng lực quản trị, cạnh tranh thiếu lành mạnh, sở hữu chéo, đầu tư sân sau, coi nhẹ chất lượng tài sản… đều dần dần được xóa. Quan trọng không kém “tâm bệnh” của tư duy một thời khi xem ngành NH là ngành “đầu tư bằng tiền thiên hạ về túi của mình”, hoặc xem đây là ngành được Nhà nước bảo hộ, không thể phá sản, không thể trắng tay… đã được triệt tiêu. Tuy có thể còn phải mất thêm thời gian, NH mới có hiện tượng chấp nhận “phá sản” – dù điều này đã có trong luật, nhưng quá trình tái cơ cấu 4 năm đã đủ để người làm NH và thị trường “thấm” điều này.

Tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác.

Đặc biệt, nhận diện và soi gương quá khứ lẫn hiện tại, hơn ai hết 37 NH sau tái cơ cấu chắc chắn đã thấm thía về quản trị rủi ro và quản trị chất lượng tín dụng, khi nợ xấu phải mất gần 4 năm mới có thể giảm từ 17% (năm 2012) xuống đến 3% của tháng 9 năm nay. Thậm chí, như ông Thiên khẳng định sẽ phải mất 5 -10 năm tới, mới có thể “cân đối” sạch sẽ và thực sự các khoản nợ xấu đang dồn kho này.

Định vị tương lai?

Câu hỏi thứ ba, là câu hỏi mà có lẽ bất kì TCTD nào trong hệ thống, cũng đều đang đau đáu. Định vị mình tương lai ra sao, với mô hình nào, chuẩn nào, con đường nào để phát triển mà không lặp lại vết xe cũ…? Có lẽ, dù là lựa chọn nào, ngành NH nói chung vẫn sẽ phải đi trên nền tảng còn một số chông gai cần tiếp tục xử lí như: Tiếp tục vực dậy và phát triển các NH đã được mua 0 đồng; tiếp tục xử lí nợ xấu; thúc đẩy các NH mạnh lên hàng đầu khu vực; tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mạnh mẽ, cạnh tranh lành mạnh và hợp tác, hữu ích cho nền kinh tế.

Trên cái nền được định vị ấy, các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành. Đó chính là lựa chọn chung và bắt buộc trong một giai đoạn mới với tầm nhìn xa không chỉ sau kết thúc 2015, hoặc tới 2020 mà thậm chí xa hơn. Ở giai đoạn xa ấy, vai trò của các chuẩn mực, ví dụ như chuẩn Basel II đang được triển khai để áp dụng, mới chỉ là một trong những “chìa khóa” giúp các tổ chức tín dụng mở nhiều lần cửa hội nhập.

5 giải pháp cơ bản

Xác định tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là một quá trình thường xuyên, liên tục, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng; kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị NH tiên tiến, chuẩn mực an toàn hoạt động phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, NH của nền kinh tế. Phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống Qũy tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả nhằm góp phần xoá đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ NH của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn. Trên quan điểm đó, NHNN định hướng 5 giải pháp tái cơ cấu cần được tiếp tục triển khai thời gian tới là:

Một, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, NH: Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của tổ chức tín dụng; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại, phá sản, giải thể và các biện pháp khác tổ chức lại tổ chức tín dụng…

Hai, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng; Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, bảo đảm các NHTM có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn Basel II.

Ba, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các NHTM Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ đạo, chủ lực bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các TCTD. Tiếp tục triển khai cổ phần hoá các NHTM Nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại một số NHTM cổ phần theo quy định của pháp luật; NHTM Nhà nước tích cực tham gia sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh.

Bốn, tập trung triển khai cơ cấu lại thành công các NHTM được NHNN mua lại trong thời gian qua theo phương án đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các NHTM, các tổ chức tín dụng phi NH và Quỹ tinín dụng nhân dân yếu kém, không cơ cấu lại thành công hoặc không có phương án cơ cấu lại khả thi. Áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD.

Năm, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường và nợ xấu đã được VAMC mua. Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình VAMC, đồng thời tăng cường năng lực và nguồn lực cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của Việt Nam.

Theo Lê Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM