Sự thật ít biết về FTA: Hàng Việt Nam chỉ đang chiếm 1% nhu cầu sử dụng của các nước

31/12/2015 14:49 PM |

Tuy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 1% trong tổng nhu cầu của các nước mà Việt Nam đang ký hiệp định thương mại tự do - FTA.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, các FTA mà Việt Nam tham gia dù trong khuôn khổ đa phương hay song phương đều mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

Ví dụ, Kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc tính trung bình 3 năm trước khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chỉ đạt trên 700 triệu USD, 3 năm sau đạt 1,7 tỷ USD, tăng 142%.

Kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ tính trung bình 3 năm trước khi có AIFTA đạt gần 330 triệu USD thì 3 năm sau đạt 1,45 tỷ USD...

Tuy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 1% trong tổng nhu cầu các nước, khu vực thị trường có FTA với Việt Nam.

Cụ thể, năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc là 525 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,14 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 1,4%.

Liên minh Á - Âu có kim ngạch nhập khẩu năm 2014 là hơn 394 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đạt 1,96 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 0,5%.

Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới với kim ngạch 2.232 tỷ USD. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, năm 2014 với 27,9 tỷ USD. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng cơ cấu nhập khẩu của EU, hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1,25%.

Tổng dung lượng nhập khẩu của các nước TPP năm 2014 khoảng trên 5.094 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này khoảng 58 tỷ USD, chiếm khoảng 1,16% thị phần.

Như vậy, chỉ riêng các nước FTA với Việt Nam: Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Á Âu, Việt Nam liên minh Châu Âu và TPP thì tổng nhu cầu nhập khẩu lên đến khoảng 8.245 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ngày mới chỉ đạt khoảng 95 tỷ USD, chiếm 1,15%.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương diễn ra sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho hay, với việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do, Việt Nam sẽ mở rộng thị trường XK, vì vậy, cần tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập.

Trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, sức mua của thị trường trong nước không thể đảm bảo năng lực sản xuất của DN được mà phải đẩy mạnh XK. Cho nên, cần tận dụng tối đa những Hiệp định thương mại đã ký để tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản…

Đặc biệt, rút gọn những nội dung các FTA đã ký kết thành những cuốn cẩm nang, tài liệu dễ nhớ, dễ thuộc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người tiêu dùng. Xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước...

Bộ Trưởng Bộ Công Vũ Huy Hoàng hứa với Thủ tướng rằng, ngành Công Thương sẽ cố gắng phấn đấu để đưa giá trị gia tăng đạt trên 7%, chỉ số sản xuất công nghiệp trên 10%. Xuất khẩu tận dụng tối đa những Hiệp định thương mại...

"Nếu khai thác tốt các thị trường này tin rằng mục tiêu XK sẽ đạt 10% so với Quốc hội giao, kiểm soát tốt nhập khẩu để giữ nhập siêu dưới 5%", ông Hoàng khẳng định.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM