Sự thật đằng sau việc tăng giá sữa 10%

18/01/2013 09:27 AM |

Từ cuối năm 2012 đến tháng 1/2013, các ông bố, bà mẹ phải đón nhận “tin dữ”, giá sữa lại tăng từ 8,5 – 10% tùy từng hãng. Cho dù đây đã là “một thông lệ” vì đầu năm và cuối năm là hai dịp tăng giá sữa thường xuyên ở Việt Nam, nhưng trong bối cảnh khó khăn như thế này thì việc tăng 10% giá sữa càng đẩy nhiều người vào tình cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”.
 
Từ cuối năm 2012 đến tháng 1/2013, các ông bố, bà mẹ phải đón nhận “tin dữ”, giá sữa lại tăng từ 8,5 – 10% tùy từng hãng. Cho dù đây đã là “một thông lệ” vì đầu năm và cuối năm là hai dịp tăng giá sữa thường xuyên ở Việt Nam, nhưng trong bối cảnh khó khăn như thế này thì việc tăng 10% giá sữa càng đẩy nhiều người vào tình cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”.
 
Tăng giá vì thay đổi bao bì là không đúng!
 
Lý giải cho việc tăng lần này, gia đình Enfa của Mead Johnson, Dumex, thậm chí Friso đều cho rằng: đó là khoản chi phí cho việc thay đổi bao bì. Nhưng sự thật có đúng như vậy hay chỉ là một cái cớ nhằm biện minh và lừa phỉnh người tiêu dùng?

“Nếu nhìn vào 2 bao bì này để nói tăng giá vì thay đổi mẫu mã bao bì thì không đúng. Ở đây chỉ có sự thay đổi về màu sắc và nội dung chữ hiển thị, mà trong quá trình in thì sự thay đổi này không có gì khác về giá cả so với mẫu cũ. Chúng tôi không hề quy định in màu xanh, đỏ thì đắt hơn các màu tím, vàng mà giá hoàn toàn như nhau…” – bà Vũ Quỳnh Thu, Giám đốc Công ty TNHH in quảng cáo thương mại Ngọc Đường (gần trường ĐH Kiến Trúc – Hà Đông – Hà Nội) cho biết sau khi xem xét hai bao bì mới và cũ của Enfa.

Không chỉ riêng Dumex, Enfa, Abbott cũng thay đổi bao bì sản phẩm
(bao bì cũ bên trái, bao bì mới bên phải)

Cũng theo bà Thu, đối với việc thay đổi mẫu mã bao bì như thế này thì nhà sản xuất vẫn tận dụng được bản thiết kế cũ, chỉ chỉnh sữa đi đôi chút, còn lại chỉ phải thay đổi film.

“Tuy nhiên, giá thành của tấm film này cũng không đáng là bao. Theo như bảng giá tại công ty chúng tôi thì chỉ có 76đồng/1cm2, và với bao bì như thế này thì film cũng chỉ rơi vào khoảng 50 – 70 nghìn đồng, có thể dùng để in hàng trăm nghìn nhãn” – bà Thu cho biết.
 
Mặt khác, đem vấn đề tăng giá sữa để hỏi nhân viên tư vấn qua đường dây nóng 1900 6602 của Mead Johnson thì PV nhận được lời giải thích: “Đúng là công ty em vừa mới tăng giá sữa. Việc tăng giá sữa này là để thay đổi một chút bao bì… Đúng là bao bì mới cũng không khác lắm so với trước… Cái này em cũng không rõ lắm, nhưng có lẽ tăng giá là còn vì chi phí vận chuyển, sản xuất tăng lên nữa…”
 
“Né” đăng ký giá
 
Không chỉ dừng lại ở việc tăng giá với lý do không thỏa đáng là thay đổi bao bì. Một số hãng sữa như En fa, Anfalac, Anfakid, Abbott… còn tiếp tục việc “né đăng ký giá” với cơ quan Nhà nước bằng cách thay đổi tên gọi từ sữa bột thành thực phẩm bổ sung, thực phẩm công thức dinh dưỡng…
 
Cụ thể, trên bao bì hộp Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, sản phẩm Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi thì ghi là thực phẩm bổ sung.
Trong bao bì mới, Enfa đã đổi từ "sữa bột" sang "sản phẩm dinh dưỡng"
 
Theo giải thích của bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty TNHH FrieslandCampina VN, sản phẩm Friso Gold là sữa bột dành cho trẻ em. Việc trên bao bì sản phẩm không ghi sữa bột mà là thực phẩm bổ sung nhằm phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế.
 
Vì đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì sữa bột chỉ là thực phẩm bổ sung, còn sữa mẹ vẫn là chính. Còn các thành phần trong sữa bột vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
 
“Thực chất đây vẫn là sữa bột. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước cũng như đơn vị nhập khẩu đã lách luật. Vì theo quy định của Luật giá, từ ngày 1/1/2013, doanh nghiệp phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Do không đăng ký là sản phẩm sữa bột thì họ không phải kê khai mỗi lần điều chỉnh giá. Chính vì vậy, cơ quan quản lý giá sẽ không thể kiểm soát được mỗi lần tăng giá và mức tăng có hợp lý hay không” - đại diện Cục Quản lý giá cho biết.
 
 
“Nếu bảo tăng giá vì thay đổi bao bì thì chúng tôi không chấp nhận. Cái tôi cần là chất lượng sữa chứ không phải là cái hộp đẹp. Nếu hộp đẹp mà sữa bên trong không tốt thì để làm cái gì, chỉ là một cách moi tiền của người dân thôi.” – Chị Hoàng Thị Huệ (35 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết.
“Sữa là mặt hàng bình ổn giá mà cứ tăng vèo vèo thì làm sao người dân chịu được. Hết tăng giá vì cái này, cái khác, giờ còn tăng giá vì thay bao bì mới. Mà nói là thay chứ có thấy khác gì đâu. Lý do không thể chấp nhận được.” – Chị Nguyễn Thanh Bích (32 tuổi, phố Chính Kinh – Thanh Xuân - HN) cho biết.
“Thà các hãng sữa cứ nói tăng giá là do nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng còn hơn là bảo tăng giá vì thay đổi vỏ hộp, nghe vô lý lắm. Giờ khoa học công nghệ in ấn đầy ra đấy, nhìn là biết ngay, chứ có phải như ngày xưa, chẳng biết cái máy in nó như thế nào mà muốn nói sao thì nói.” – Bác Phạm Thị Xuân (52 tuổi, Nguyễn Trãi – Thanh Xuân - HN)
 
Theo Duyên Duyên
Đất Việt

duchai

Từ khóa:  sữa
Cùng chuyên mục
XEM