Standard Chartered: Việt Nam sẽ phát triển nhanh thứ 2 châu Á

27/01/2016 22:01 PM |

Triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng tốt hơn dù tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức thấp. Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố báo cáo về Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016. Theo đó, Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,9%, cao hơn so với dự báo 6,6% trước đó.

Kết quả này có được là nhờ vào hai ngành đang tăng trưởng tốt là sản xuất và xây dựng trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan. Với dự báo ấy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

Báo cáo nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng tốt hơn dù tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức thấp 2,9% trong năm 2016.

Ông Marios Maratheftis - Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered cho biết, dù mức tăng trưởng toàn cầu thấp, nhưng lòng tin và yếu tố tâm lý – hai nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi phát triển chậm lại trong năm 2015 – sẽ được cải thiện.

“Chúng ta bước vào năm 2016 khi thế giới bớt lo lắng hơn về tình hình kinh tế Trung Quốc chững lại và kỳ vọng về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)” – ông Maratheftis nói.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế của Standard Chartered lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.

Trên thực tế, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong năm 2015, với tốc độ tăng 6,7% cao hơn chỉ tiêu, cũng như cao hơn so với nhiều dự báo 6,6%. Đây là tốc độ cao nhất từ khi Việt Nam áp dụng cách tính GDP mới.

“Chúng tôi tin Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và hy vọng Việt Nam vẫn sẽ thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2016. Chúng tôi cũng tin rằng Việt Nam là một trong số những nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa” - Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định, lĩnh vực tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, theo sau đó sẽ là lĩnh vực đầu tư.

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM