Sở hữu DNNN: Nhà nước không muốn giữ đâu, nhưng bán không được...

13/06/2015 13:50 PM |

Vì sao có những doanh nghiệp Nhà nước chỉ nắm giữ 5% mà không bán nốt? Tôi chỉ muốn nói là bán không được, dù Nhà nước sẵn sàng bán lô lớn để nhà đầu tư tham gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Nội dung nổi bật:

- Liên quan đến tính khả thi của mục tiêu cổ phần hóa gần 300 DNNN vào cuối năm, Phó Thủ tướng cho rằng: Chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá

- Tại một số doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nắm giữ 5% cổ phần. Tôi đồng ý Nhà nước sẵn sàng bán lô lớn để nhà đầu tư tham gia. Còn vì sao không bán nốt, tôi chỉ muốn nói là bán không được

- Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề vay dự trữ ngoại hối để đầu tư. “Tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không nên làm và không nên bàn chuyện này, vì nó sẽ tác động lên hệ thống tài chính”


Chỉ 6 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2015, so với mục tiêu đề ra, vẫn còn tới 289 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn chưa cổ phần hóa được.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 13/6 liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá.

“Thực hiện cổ phần hóa phải đề phòng thất thoát, phải quyết liệt nhưng phải cụ thể”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên – một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn ngần ngại tham gia, Phó Thủ tướng cho biết, tại một số doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nắm giữ 5% cổ phần.

“Nhà nước không muốn nắm giữ, mà bán không có lợi nên Nhà nước phải tham gia”, Phó Thủ tướng nói.

“4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn có cần cổ phần hóa để tư nhân nắm chi phối không? Nếu cho tư nhân chi phối thì chúng ta quản lý và điều tiết bằng công cụ gì? Vai trò của Nhà nước rất quan trọng”.

“Với những doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu thấp như trên, tôi đồng ý rằng Nhà nước sẵn sàng bán lô lớn để nhà đầu tư tham gia. Còn vì sao không bán nốt, tôi chỉ muốn nói là bán không được”.

Số tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN, Phó Thủ tướng cho biết sẽ dùng vào 3 mục đích, cụ thể:

- Giải quyết chế độ cho công nhân viên;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn tiếp tục tái cơ cấu;

- Đầu tư cho các hoạt động kinh tế xã hội

Chưa có chủ trương sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối

 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Du lịch cũng đặt vấn đề vay dự trữ ngoại hối để đầu tư. “Tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không nên làm và không nên bàn chuyện này, vì nó sẽ tác động lên hệ thống tài chính”, ông Lịch nói.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Phúc cho biết đây mới chỉ là thỏa thuận của Chính phủ nhằm đưa ra một khung chính sách, định hướng nghiên cứu chứ chưa phải chủ trương phải sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối.

“Sử dụng thế nào còn phải xem xét tác động của nó tới kinh tế vĩ mô, lạm phát... Không có sự sử dụng tùy tiện trong vấn đề này”, Phó Thủ tướng cho biết.

Trước đó, nhận định về việc cho vay từ Quỹ dự trữ ngoại hối, Ngân hàng HSBC cho rằng: Bất kỳ quyết định nào về việc Chính phủ được vay tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ cũng sẽ gây rủi ro đến sự ổn định tiền đồng.

NHNN ra chính sách duy trì một biên độ giao dịch hẹp cho cặp tỷ giá USD/VND (+/-1%) mang ý nghĩa rằng nguồn dự trữ ngoại tệ là một công cụ cần thiết đảm bảo sự ổn định tỷ giá.

Nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang thấp hơn so với thông lệ và thấp hơn ngay cả với các nền kinh tế khác như Bangladesh và Sri Lanka vốn có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự.

“Những số liệu mới nhất cho thấy NHNN đang nắm giữ khoảng 35 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình ba tháng nhập khẩu. Tình hình còn tồi tệ hơn khi cán cân thương mại đã chuyển từ ngưỡng dương vào tháng 11 năm ngoái sang ngưỡng âm 3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, một con số chưa từng thấy kể từ năm 2011. Điều này sẽ càng gây khó khăn cho nguồn dự trữ ngoại hối và tiền tệ” – HSBC nhấn mạnh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM