Singapore sẽ ra sao khi thiếu ông Lý Quang Diệu?

24/03/2015 08:57 AM |

Mặc dù đã rời vị trí Thủ tướng Singapore, nhưng ông Lý Quang Diệu vẫn là chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc này. Nhiều chuyên gia đặt gia câu hỏi: Singapore sẽ ra sao khi thiếu vắng ông?

Ông William Pesek, một chuyên gia phân tích tại Bloomberg, cho hay đã từng gặp ông Lý Quang Diệu hồi năm 2004 khi ông đang có bài phát biểu tại Bangkok rằng những tin đồn về sự suy thoái của Mỹ là vội vàng và không có căn cứ. Ông tuyên bố: “Nước Mỹ là nền kinh tế năng động nhất thế giới" và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới.

Khi được hỏi về việc liệu ông có đang quá lạc quan về nước Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, ông vẫn khẳng định lập luận của mình.

Giờ đến lượt Singapore, ông William Pesek đặt câu hỏi: Liệu Singapore vẫn có thể cạnh tranh khi sự trỗi dậy của châu Á đang gây nhiều thách thức đối với nền kinh tế ấn tượng mà ông Lý đã gây dựng hay không?

Trong khi những “con hổ” châu Á như Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan dựa vào việc tăng năng suất để thúc đẩy tăng trưởng thì Singapore chủ yếu dựa vào các khoản tiết kiệm trong nước, đưa người dân vào những công việc có mức lương vừa phải và ưu tiên cho các công ty có liên kết với chính phủ. Mặc dù kết quả thật bất ngờ nhưng nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Paul Krugman đã có lần cho rằng mô hình hiện nay của kinh tế Singapore đang đến điểm tới hạn.

Câu hỏi đặt ra là: Mô hình mới nào sẽ phù hợp với Singapore? Chuyên gia Rajiv Biswas thuộc hãng phân tích tài chính IHS Global Insight nhận định: "Để duy trì vị trí là một nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trên đầu người lớn nhất châu Á, Singapore sẽ cần tăng trưởng năng suất mạnh mẽ để hỗ trợ cho mức tiền lương đang tăng đều đặn”.

Những nỗ lực của con trai ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Lý Hiển Long nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Singapore đã cho những kết quả không mấy hài lòng. Cách đây 5 năm, chính phủ đưa ra một kế hoạch 10 năm với tổng số tiền đầu tư 2,6 tỷ USD nhằm tăng năng suất. Thay vì tăng trong phạm vi mục tiêu là 2 đến 3%, hiệu quả lao động chỉ tăng trung bình khoảng 0,5% trong nhiều quý gần đây.

Vậy còn thiếu điều gì? William Pesek cho rằng đó là thiếu quy mô, tập trung và táo bạo. Một sự chuyển đổi thực sự sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận rõ mục tiêu hơn, chưa kể đến khoản đầu tư cũng phải nhiều hơn, chứ không phải chỉ bằng 1/115 kích thước của nền kinh tế trị giá tới 298 tỷ USD này. Việc đưa tiền cho các công ty cung cấp laptop hay iPad hào nhoáng cho nhân viên sẽ chẳng đạt được điều gì.

Nhưng vấn đề thực sự là sự táo bạo. Năm 2010, chính phủ đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển từ dưới 3% GDP lên 3,5%, một mức quá thấp để có thể thu lại kết quả gì đáng kể. Singapore cần phải sáng tạo nhiều hơn trong việc tài trợ cho mũi nhọn nghiên cứu và phát triển trong nhiều ngành khác nhau như phần mềm, công nghệ sinh học, năng lượng, hậu cần và chăm sóc sức khỏe.

Do những phản ứng dữ dội với tình trạng nhập cư, Singapore cũng phải nỗ lực hơn để duy trì các thành quả kinh tế với dân số chỉ khoảng 5,5 triệu người hiện nay.

Theo ông William Pesek, có một cách để làm điều đó là hạn chế vai trò quá lớn của các công ty liên kết với chính phủ. Mặc dù rất cần thiết trong những năm 1960 và 1970, nhưng những công ty này hiện đang cản trở cơ hội của các công ty nhỏ và vừa. Nhà kinh tế cao cấp Irvin Seah của Ngân hàng DBS, Singapore cho rằng Singapore nên giúp những công ty nhỏ và vừa xâm nhập vào các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tích cực cắt giảm các rào cản thương mại. Vậy tại sao Singapore không cho các công ty nhỏ hơn cơ hội để tiến vào các nền kinh tế láng giềng này. Ngoài ra, Singapore có thể tận dụng công nghệ, kinh nghiệm của châu Âu để quốc tế hóa hơn nữa.

Rõ ràng, cách duy nhất để Singapore duy trì những thành quả đáng ghi nhận dưới thời ông Lý Quang Diệu là đổi mới. Tương lai của đất nước này phụ thuộc vào các ý tưởng mới cũng như các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Các công ty mới thành lập cũng nên được khuyến khích về thuế và một mạng lưới bảo vệ mạnh mẽ hơn để giúp họ tránh các rủi ro.

>> Bí quyết tuyển dụng nhân tài của Lý Quang Diệu

Theo Phạm Khánh

Cùng chuyên mục
XEM