Sau bất động sản, ta xây gì?

06/11/2015 09:38 AM |

TPP đến, người ta nói rằng bây giờ nền sản xuất Việt Nam đứng trước “cơ hội và thách thức”. Thật ra thách thức và cơ hội cho nền sản xuất đều đã có từ lâu, chỉ có điều ta bỏ quên nó trong những cơn sốt ảo.

Mối nguy từ thị trường

Vài năm trước, một hãng bánh kẹo lớn của Hàn Quốc đổ vốn vào một công ty của nước ta kèm lời tuyên bố “chỉ đầu tư tài chính” chứ không hề có ý định thâu tóm công ty bản địa. Nhưng sau khi không ngừng tăng tỷ lệ sở hữu, hãng Hàn Quốc khiến người trong cuộc lo sợ. Công ty nội địa kia, dưới sức ép của cổ đông lớn, “không được khai thác sản phẩm mong muốn”, mà đầu tư dây chuyền hướng tới việc... chỉ sản xuất bánh của hãng Hàn Quốc.

Sau một cuộc chiến tốn nhiều giấy mực giữa các nhà đầu tư trong nước với đại tập đoàn Hàn Quốc, mọi chuyện tạm yên, nỗi lo bị thâu tóm và trở thành một công ty Hàn Quốc đóng tại Việt Nam lắng xuống nhưng chưa rõ bao lâu.

Đã không có ít thương hiệu thực phẩm Việt bị thâu tóm sau những cái bắt tay hồn nhiên. Sau khi bị “ngoại hóa”, họ chỉ còn sản xuất thực phẩm ngoại đóng mác Việt Nam.

“Nền ẩm thực có thể thay đổi, văn hóa có thể biến dạng” - ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch PAN Group, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam bày tỏ lo ngại - “Họ không cần sản phẩm của chúng ta. Họ mua công ty trong nước chỉ để lấy hệ thống phân phối và thị trường”. Đó không phải là chuyện của các Hiệp định thương mại tự do hay TPP nào cả. Những thách thức bị thôn tính thị trường đã xuất hiện dày đặc kể từ sau thời mở cửa.

Khác với nhiều loại sản phẩm, thị trường thực phẩm, hay nói cách là đồ ăn thức uống, nếu bị thôn tính có thể đánh “trốc rễ” một nền văn hóa. Ở Nhật, trong thập kỷ trước, dấy lên một khái niệm gọi là “Trận Okinawa thứ 2”. Sau khi thua trong trận Okinawa “xịn” vào năm 1945 khiến hòn đảo này bị quân Mỹ chiếm đóng, dân Okinawa trở thành những người đầu tiên của nước Nhật ăn đồ Mỹ, trước Tokyo gần một thập kỷ. Văn hóa của hòn đảo này biến đổi.

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng tôi ăn nhiều chất béo hơn, hút thuốc nhiều hơn mức trung bình của Nhật” - cơ quan y tế địa phương nói, trong báo cáo năm 2006. Hòn đảo này từng là nơi cư trú của những người sống thọ nhất nước Nhật. Nhưng tỷ lệ người sống lâu liên tục giảm xuống – bởi họ bị thay thế bởi một thế hệ lớn lên mà chỉ ăn đồ Mỹ, rời bỏ cá và đậu nành truyền thống: một nửa số đàn ông tứ tuần ở Okinawa bị béo phì – điều khiến nước Nhật sợ hãi.

Nhật Bản cũng là một trong những nước có ý thức sớm nhất về việc giành giật miếng bánh trên thị trường thực phẩm để bảo vệ nền văn hóa. Người ta kể chuyện về những lão nông Nhật, cầm cơm nắm đến trước cổng trường để phát cho các cháu nhỏ, thuyết phục chúng rằng ăn gạo rất ngon, chống lại sự “xâm lăng” của bột mì. Nói như liên tưởng của ông Hưng, nếu dân Việt Nam không thể bảo vệ thị trường thực phẩm trong nước, đến một ngày phở không còn mà ăn.

Ông Nguyễn Duy Hưng: “Chúng ta cứ tưởng mình giàu”
Ông Nguyễn Duy Hưng: “Chúng ta cứ tưởng mình giàu”

Nền sản xuất bị coi thường

Nền sản xuất của Việt Nam đã chuẩn bị thế nào từ khi mở cửa để đương đầu với “quyền lực mềm” của các quốc gia khác, thông qua thị trường nông sản, thực phẩm? Câu trả lời là rất ít.

“85% dân số Việt Nam xuất phát từ đồng ruộng và sống nhờ đồng ruộng. Đến một ngày đẹp trời, người ta quên mất điều đấy” - ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ - “Người ta biến đồng ruộng thành khu đô thị. Vốn liếng của cải trong xã hội trở thành hàng tồn kho sau cơn sốt bất động sản”.

“Chúng ta cứ nâng giá tài sản lên, và khi nó còn tính thanh khoản thì chúng ta tưởng rằng mình giàu” - nhà đầu tư này phân tích một lần nữa về “giá trị ảo” trong cơn sốt này, điều khiến cho vốn liếng xã hội không được đầu tư vào sản xuất.

Bây giờ là lúc cần quay trở lại nghĩ về nông sản, thực phẩm, những thứ mà Việt Nam có lợi thế. “Gia công (công nghiệp) thì chỉ bán sức thôi. Giá trị vẫn nằm trong tay những người nắm giữ thương hiệu và phân phối” - ông Hưng tuyên bố - “Trong khi nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra thương hiệu”.

Rất nhiều chuyên gia, trong đó có cả cố vấn an ninh lương thực của Nhà trắng, tiến sỹ Rick Gilmore, người vừa tới Việt Nam hồi cuối tháng 9 vừa qua, tuyên bố nước ta có thể trở thành “tay chơi lớn” trên thị trường nông sản thế giới với những tiềm năng sẵn có.

Vấn đề bây giờ là ai sẽ bắt đầu? Không có một cơn sốt nào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như đã từng có thời nhà nhà mở sàn giao dịch bất động sản. Một vài nhà đầu tư dường như cũng đang nhìn thấy cơ hội này. Bản thân ông Nguyễn Duy Hưng, với tư cách một nhà đầu tư cũng đã từ lâu lên chiến lược xây dựng một chuỗi giá trị trong nông nghiệp thông qua PAN Group. Ông Hưng đầu tư vào hàng loạt các công ty nông nghiệp và thực phẩm đang làm ăn tốt ở trong nước, từ Công ty cổ phần giống cây trồng TW, Công ty thủy sản Bến Tre,.. với mong muốn xây dựng thành một chuỗi giá trị.

PAN Group từ chối thừa nhận rằng mình đang thực hiện “sứ mệnh” với nông nghiệp Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là kiếm tiền, nói sứ mệnh nghe to tát quá” - ông Hưng nói. Tuy nhiên, thời kỳ “hậu bất động sản” sẽ vẫn phải có những người tiên phong. Đó sẽ là PAN Group, Vingroup, HAGL, những nhà đầu tư lớn trong nông nghiệp, hay là một anh nông dân ở Đồng Tháp đang loay hoay với phương thức trồng gạo sạch mà không biết bán cho ai?

Theo Phong Huyền

Cùng chuyên mục
XEM