'Sắt thép sẽ chịu sức ép từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc'

07/05/2015 08:50 AM |

Một số nhóm hàng Việt Nam có thể phải chịu sức ép khi mở cửa có thể kể đến trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép, đồ gia dụng cao cấp, và phương tiện vận tải.

Nội dung nổi bật:

- Theo kết quả ký kết FTA Việt Nam - Hàn Quốc, lĩnh vực nông - thủy sản, đồ gỗ và một số ngành công nghiệp khác của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất.

- "Trong mọi cuộc đàm phán, để đảm bảo cả hai bên đều có lợi, chúng ta cũng phải dành cho họ những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam. Một số nhóm hàng Việt Nam có thể phải chịu sức ép khi mở cửa có thể kể đến trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép. Thứ hai là nhóm đồ gia dụng cao cấp, điện tử. Thứ ba là phương tiện vận tải"...


Để làm rõ hơn về những tác động cũng như thách thức của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương.

* Theo VKFTA vừa được ký kết, nông – thủy sản cũng như dệt may, đồ gỗ của Việt Nam được xem là những mặt hàng được hưởng nhiều cơ hội nhất nhờ những cam kết mở cửa từ phía Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để tận dụng tốt cơ hội này thưa ông?

Theo kết quả ký kết, lĩnh vực nông - thủy sản, đồ gỗ và một số ngành công nghiệp khác của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất.

Trước hết là cam kết về mặt thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc với mức thuế giảm mạnh mẽ. Trong đó có những nhóm sản phẩm ta có thế mạnh như tôm, cá, hoa quả, nông sản… trước được Hàn Quốc bảo hộ rất cao, có mặt hàng từng được áp thuế 200%.

Bên cạnh đó, các quy định về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các cơ chế về thủ tục thông quan, thuận lợi hóa thương mại và các quy định khác về môi trường chính sách cũng thông thoáng và minh bạch hơn, có cơ sở để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam.

Để tận dụng được cơ hội này, chúng tôi nghĩ rằng trước hết các doanh nghiệp phải tìm hiểu và kịp thời nắm bắt các cam kết cụ thể của hiệp định, đây cũng là phần việc mà Bộ Công thương đã chỉ đạo chuẩn bị một cách chu đáo, để có thể phổ biến kịp thời cho các doanh nghiệp và cả người dân.

Tiếp theo, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về thị trường, thị hiếu và đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể tiếp cận được thị trường.

* Hiệp định được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ông đánh giá ra sao về những cơ hội này?

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương.

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương.

Một trong những lợi ích cơ bản khi tiến hành nghiên cứu tác động từ ký kết hiệp định để làm cơ sở cho chính phủ quyết định ký kết là lợi ích thu được thừ thu hút đầu tư.

Thời gian qua, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Thống kê đến tháng 3/2015, đã có 38,1 tỷ USD đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, với hơn 4200 dự án.

Hàn Quốc là một nước không chỉ mạnh về công nghệ và có nguồn vốn, mà còn đang có định hướng chuyển đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với các đối tác khác như Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Trong quá trình đó, Việt Nam được coi là một điểm đến mà Hàn Quốc hết sức quan tâm. Cùng với thành công của một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian qua, chúng tôi hy vọng với quy định về đầu tư thông thoáng hơn, minh bạch hơn, đặc biệt là các cam kết liên quan đến bảo vệ và xúc tiến đầu tư, thì cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam rất lớn.

* Bên cạnh các lợi ích, Việt Nam cũng phải cắt giảm mạnh dòng thuế đối với các mặt hàng vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Vậy đâu là những ngành phải chịu sức ép lớn nhất từ việc này?

Đương nhiên trong mọi cuộc đàm phán, để đảm bảo cả hai bên đều có lợi, chúng ta cũng phải dành cho họ những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam.

Trong quá trình đó, chúng tôi đã thường xuyên phân tích kỹ, tham vấn chặt chẽ với hiệp hội doanh nghiệp. Một số nhóm hàng Việt Nam có thể phải chịu sức ép khi mở cửa có thể kể đến trước tiên là nhóm các sản phẩm sắt thép. Thứ hai là nhóm đồ gia dụng cao cấp, điện tử. Thứ ba là phương tiện vận tải như ô tô, chủ yếu các phương tiện có dung tích trên 3000cc.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

>> Emart - Đại gia bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sắp đến Việt Nam

Theo Thảo Mai

Cùng chuyên mục
XEM