“Samsung là hàng Việt”: Không nên đi vận động cho các công ty đa quốc gia

26/09/2015 12:57 PM |

Phải phân biệt rõ Samsung là thương hiệu quốc tế, đó không phải là thương hiệu của Việt Nam. Samsung đầu tư ở đây, sử dụng công nhân Việt Nam, đóng góp cho GDP của Việt Nam rất nhiều, nhưng phần lợi nhuận chủ yếu Samsung mang về nước.

Đó là quan điểm của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra khi trao đổi với chúng tôi.

Thưa bà, mới đây đại diện của Bộ Công Thương khẳng định rằng Samsung là hàng Việt Nam. Liệu điều này có hợp lý hay không khi đây là một công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?

Samsung là hàng Việt hay không thì chúng ta cần hỏi họ. Tôi đã có nhiều lần gặp ông Nguyễn Văn Đạo -Phó Tổng Giám đốc của Samsung để bàn chương trình hợp tác. Bên phía Samsung họ vẫn muốn tạo nên niềm tự hào, sản phẩm này sản xuất bởi những công nhân Việt Nam, nhà máy làm tại Việt Nam thì đó là sản phẩm làm bởi người Việt Nam chúng ta.

Nhưng cần thiết phải phân biệt rõ Samsung là thương hiệu quốc tế, đó không phải là thương hiệu của Việt Nam. Samsung đầu tư ở đây, sử dụng công nhân Việt Nam, đóng góp cho GDP của Việt Nam rất nhiều, nhưng phần lợi nhuận chủ yếu Samsung mang về nước.

Do đó, xem Samsung là hàng Việt để hỗ trợ thì cần phải quay lại ý nghĩa sâu xa và mục đích chính của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là gì? Tôi cho rằng, nếu chúng ta lấy Cuộc vận động này ủng hộ cho Samsung thì phải quay lại từ đầu.

Vì sao phải đặt ra Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Còn nếu bây giờ kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Samsung, Unilever, Pepsico, thì tôi cho rằng những công ty đa quốc gia này không cần hỗ trợ mà nguồn lực của Cuộc vận động thì rất là ít ỏi.

Nhìn rộng ra câu chuyện Samsung, chúng ta thấy Bộ Công Thương đang nói có 80 - 90% hàng nội có trên các siêu thị. Song phần lớn những hàng hóa này đều là hàng của DN quốc tế đầu tư tại Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về quan điểm này của Bộ Công Thương?

Trong nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, tôi luôn nói ta phân biệt về mặt pháp lý những DN sản xuất tại Việt Nam thì gọi là hàng Việt Nam cũng không sai. Nhưng khi nói đến hàng Việt trong mối liên quan đến Cuộc vận động này, phải tính tới mục đích của Cuộc vận động.

Chúng ta không đi vận động cho Công ty đa quốc gia quá mạnh và không cần tới cuộc vận động, trong khi nguồn lực của nhà nước từ đội ngũ cán bộ chuyên môn, tiền bạc và phương tiện ủng hộ cho DN trong nước bị giới hạn.

Thay vì tăng cường nguồn lực, đội ngũ mạnh hơn, kiểm soát môi trường cạnh tranh tốt hơn cần hỗ trợ tốt cho DN Việt Nam trong cạnh tranh. Trong nhiều năm theo dõi các DN, tôi thấy rằng hàng thuần túy của Việt Nam đã đi từ kệ cao ra ngoài và xuống đất d không cạnh tranh nổi khi phải bỏ tiền ra thuê mặt bằng đẹp trong siêu thị.

Đó là quy luật thị trường và DN phải tìm kênh khác để tổn tại, song ta phải để ý tới những DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Bởi trong thời gian ngắn nữa thôi nếu cứ vui vẻ với con số trên thì sẽ không biết được những DN vừa và nhỏ đi về nông thôn, cạnh tranh không nổi ở nông thôn, họ tự phá sản và bán công ty.

Bây giờ công ty Trung Quốc họ xách giỏ đi mua DN Việt Nam như đi mua rau, bán cho DN Nhật Bản và Hàn Quốc. Cần phải nghiên cứu kỹ về tình hình ngày càng khó khăn của DN nhỏ của Việt Nam để chuyển hướng hỗ trợ cho DN nội đị, thì ta lại thấy an tâm với thành tích.

Bà thấy rằng cơ chế hiện nay đã thực sự giúp hàng Việt vào thị trường nội địa hay chưa?

Cuộc vận động này có ý nghĩa tác động tới tâm lý, hiệu quả truyền thông và lòng yêu nước. Còn trên thực tế sức cạnh tranh trên thị trường phải nhìn từ cục diện đối đầu với nhau về giá cả, kênh phân phối, cách tiếp cận của khách hàng.

Để nâng cao sức cạnh tranh thì các chính sách, các yếu tố thực tế khác như môi trường cạnh tranh bình đẳng là rất quan trọng. Trong khi ta có Cuộc vận động nhưng ngân sách cho hoạt động này có phần giảm, giám sát việc thực hiện cũng không được tập trung và hiệu quả. Hàng giả hiện vẫn lưu thông tự do và chen lấn được vào phiên chợ hàng Việt. Thậm chí hội chợ được Nhà nước tổ chức thì hàng Trung Quốc vẫn vào một cách tự do.

Nhìn ra các nước bạn như Thái Lan, Indonesia và Malaysia dù không có Cuộc vận động nhưng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc. Do đó, chúng ta phải giám sát kỹ hơn từ đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho hàng Việt thực sự, tạo môi trường cạnh tranh cho bình đẳng hoạt động.

Theo Cẩm An (thực hiện)

Cùng chuyên mục
XEM