Rò rỉ giá bán của McDonald's Việt Nam

07/02/2014 17:03 PM |

85.000đ một suất Big Mac kèm khoai tây và đồ uống, theo một bức ảnh hiện đang được chia sẻ nhiều trên Facebook.

Cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam khai trương vào Tp Hồ Chí Minh vào sáng mai, ngày 8/2/2014. Tuy nhiên, hình ảnh về menu và giá của những chiếc Hamburger hiện đang được lan truyền trên mạng. 

Theo đó, giá một chiếc Big Mac sẽ được McDonald’s bán tại Việt Nam với giá 60.000 đồng (2,85 USD). Mức giá này thấp hơn giá một chiếc Big Mac tại Mỹ (4,62 USD), khá cao nếu so với các nước trong khu vực.

Tại Malaysia, một chiếc Big Mac giá chỉ có 7,40 ringgit (khoảng 2,23 USD), tại Indonesia, một chiếc Big Mac là 27.939 Rupiah (khoảng 2,30 USD). Mức giá 2,85 USD/chiếc tại Việt Nam thấp hơn một chút so với mức giá tại Philippine (2,98 USD) và Thái Lan (2,92 USD).


Những người hâm mộ McDonald’s tại Việt Nam có lẽ sẽ không mấy hài lòng với mức giá này, còn với các nhà kinh tế học, giá một chiếc Big Mac cũng có nhiều ý nghĩa.

Năm 1986, tạp chí kinh tế The Economist của Anh đã đưa ra chỉ số Big Mac như là một thước đo vui về đồng tiền của mỗi quốc gia. Thay vì sử dụng nhiều loại hàng hóa và dịch vụ làm thước đo, Economist chỉ dùng một loại hàng hóa duy nhất – chiếc Hamburger Big Mac được bán tại tất cả các cửa hàng của McDonald’s. 

Một chiếc Burger có thành phần gần giống hệt nhau ở các quốc gia nhưng lại được định giá khác nhau, có thể được dùng để so sánh giá trị của hai đồng tiền. Lý thuyết "Burger" dựa trên thuyết ngang giá sức mua của tiền tệ (PPP), tin rằng một Đô la mỹ cần phải mua được một lượng hàng hóa như nhau trên tất cả các quốc gia. 

Ví dụ, giá trung bình của một chiếc Big Mac tại Mỹ vào tháng 1/2014 là 4,62 USD, trong khi đó tại Trung Quốc lại chỉ có 2,74 USD. Như vậy, chỉ số Big Mac cho biết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã bị định giá thấp hơn tới 41%.

Lấy chỉ số này áp dụng với Việt Nam, có thể thấy Việt Nam đồng đang được định giá thấp hơn 38%.

Tất nhiên, chỉ số Big Mac dùng để giải trí là chính chứ không ai lấy đó làm thước đo để điều chỉnh tỷ giá. Mặc dù vậy, chỉ số Big Mac vẫn trở thành một chuẩn toàn cầu, rất phổ biến ngay cả trong những cuốn sách dạy kinh tế. 

Giá của Burger King tại Việt Nam

Đôi khi để đa dạng hóa và đổi mới phong cách, tạp chí The Economist thay thế chỉ số Big Mac bằng chỉ số CocaCola năm 1997 hay chỉ số Starbuck năm 2004. Tuy nhiên chỉ số Big Mac vẫn là biểu tượng của tờ tạp chí nổi tiếng này.

Chỉ số Big Mac cũng cho thấy giá của những chiếc Burger của McDonald’s thường rẻ hơn tại các nước nghèo. 

Hoàng Vân

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM