Quý 2/2015: Kinh tế Nhật đi xuống do xuất khẩu và chi tiêu dùng cùng yếu

18/08/2015 18:57 PM |

GDP suy giảm có hai nguyên nhân chính: xuất khẩu vào Trung Quốc và Hoa Kỳ yếu, và chi tiêu tiêu dùng kém do thời tiết.

Theo số liệu của Cabinet Office, GDP quý 2 của Nhật Bản đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2014 và giảm 0,4% so với quý trước đó. Tiêu dùng cá nhân - chiếm 60% GDP của Nhật Bản - đã giảm 0,8% so với quý 1, trong khi xuất khẩu giảm tới 4,4%.

Trong nhiều quý gần đây, tỷ lệ tăng trưởng của Nhật Bản không ổn định. Mức giảm ở quý gần đây dù sao vẫn chưa xóa bỏ hoàn toàn mức tăng đáng ngạc nhiên của nền kinh tế này trong quý đầu tiên, được ước tính khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh trong quý 1 (trước khi tăng thuế VAT vào tháng 4 năm 2014 từ 5% lên 8%) đã đẩy tốc độ phát triển kinh tế của quý đầu tiên trở nên nhanh nhất trong năm, sau đó lại nhanh chóng bốc hơi và bước vào giai đoạn suy thoái.

Các chuyên gia phân tích dự đoán, GDP năm nay của Nhật Bản vào khoảng 1,8% đến 1,9%. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng cho rằng GDP có thể sẽ tăng trưởng trở lại ngay trong quý này. Theo một điều tra gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, có 40 chuyên gia dự báo kể từ tháng Bảy đến tháng Chín, tốc độ tăng trưởng sẽ hồi phục và đạt mức trung bình 2,5%.

Tuy thế, sự thụt lùi này cũng là một trở ngại đối với chính quyền của ông Shinzo Abe, khi đang cố gắng kéo nền kinh tế ra khỏi vũng lầy giảm phát đã kéo dài gần hai thập kỷ thông qua chương trình kích thích kinh tế Abenomics.

Theo đó, ngân hàng trung ương bơm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế khiến chi phí cho vay thấp và đồng yên suy yếu. Đây chính là một lợi ích to lớn cho các công ty toàn cầu như Toyota, những công ty thu lời bằng các đồng ngoại tệ như đô la Mỹ và euro.

Mặc dù Abenomics giúp các công ty lớn kiếm lời và thúc đẩy thị trường chứng khoán, nhưng những người dân Nhật Bản bình thường lại cảm thấy họ được hưởng rất ít từ chương trình này. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 3,4% nhưng tiền lương thì lại ít hơn hẳn trước kia. Bị điều chỉnh theo lạm phát và thuế, mức lương trung bình phải suy giảm liên tục. Có nhiều công việc xuất hiện trong thời Tổng thống Shinzo Abe chỉ là công việc tạm thời hoặc bán thời gian, với những mức lương và lợi ích thấp hơn hẳn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Akira Amari, GDP suy giảm có hai nguyên nhân chính: xuất khẩu vào Trung Quốc và Hoa Kỳ yếu, và chi tiêu tiêu dùng kém do thời tiết, dù đó không phải tất cả.

Quý trước, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị nhập khẩu giảm 9,8% chỉ bù đắp được một phần.

Chính sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, đặc biệt là sự suy giảm nhu cầu tư liệu sản xuất đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Nhật.

Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc cũng đem lại nhiều lợi ích cho Nhật Bản – chẳng hạn như các nhà sản xuất giàu kinh nghiệm về máy móc công nghiệp của Nhật đã cung cấp rất nhiều thiết bị cho các nhà máy phát triển hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản nhiều năm nay.

Ngân hàng Nhật Bản đã đổ tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu chính phủ từ thị trường với tốc độ khoảng 80 tỷ yên một năm (gần 700 tỷ đô la Mỹ). Các nỗ lực này nhằm tăng giá tiêu dùng nhưng kết quả ra sao thì vẫn chưa chắc chắn.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM