Quốc hữu hóa VNCB – ném chuột không để vỡ bình

04/02/2015 10:36 AM |

Quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền của dân chúng.

Nội dung nổi bật:

- Lý do quốc hữu hóa VNCB được cho là VNCB đã mất sạch vốn chủ sở hữu do hoạt động yếu kém và không tự tái cơ cấu được. NHNN không để VNCB phá sản vì lý do bảo vệ người gửi tiền.

-Tháng 8 năm ngoái Vietcombank đã được giao tham gia tái cơ cấu VNCB, nhưng hành động quốc hữu hóa cho thấy dường như Vietcombank không thể đảm nhận tốt vai trò hỗ trợ.

- VNCB nếu bị cho phá sản sẽ là một tiền lệ để dân chúng thấy rằng những ngân hàng yếu kém khác cũng có thể theo vết xe đổ đó.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/cổ phần. Như vậy, VNCB đã bị quốc hữu hóa, và NHNN đại diện cho Nhà nước Việt Nam trở thành chủ sở hữu hoàn toàn VNCB (100% vốn điều lệ), chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

Lý do sâu xa đằng sau việc quốc hữu hóa này có lẽ nằm ở chỗ VNCB được cho là đã mất sạch vốn chủ sở hữu do kết quả hoạt động yếu kém và không có khả năng tự tái cấu để tồn tại và đáp ứng được các tiêu chuẩn hoạt động an toàn trong ngành.

NHNN cũng tuyên bố rằng khi họ nắm quyền sở hữu toàn bộ, và Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB, thì ngân hàng này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cần nhớ lại rằng hồi tháng 8 năm ngoái, cũng chính Vietcombank đã được NHNN giao tham gia tái cơ cấu VNCB theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, với tư cách là đầu mối hỗ trợ toàn diện, từ tài chính cho đến nhân lực, cho ngân hàng này. Vậy hành động quốc hữu hóa của NHNN với VNCB lần này cho thấy dường như một mình Vietcombank đã không thể đảm nhận tốt được vai trò hỗ trợ này.

Lý do có thể là VNCB là một “ca” quá nặng, và hậu quả do nó gây ra sẽ là quá lớn với một ngân hàng tuy lớn như Vietcombank nhưng lại là một ngân hàng cổ phần, không chỉ có nhà nước là cổ đông, nên không thể tự do hành động theo chỉ đạo của NHNN. Và vì NHNN với tư cách là chủ sở hữu mới của VNCB, nhưng không cử người tham gia điều hành, quản trị VNCB, nên có thể suy ra thêm rằng nguyên nhân làm VNCB, rồi VNCB với sự tham gia của Vietcombank, đã và vẫn thất bại trong việc tái cơ cấu và vực dậy VNCB là do thiếu trầm trọng một nguồn lực tài chính mạnh, là cái mà NHNN – chủ sở hữu mới – có thể cung cấp một cách dồi dào theo nhu cầu.

Lật ngược lại vấn đề, tại sao NHNN không để VNCB phá sản, theo chủ trương đã được cả Thủ tướng từng tuyên bố rõ, để vừa trừng phạt cổ đông các ngân hàng yếu kém, vừa chấm dứt được một sự mặc định bấy lâu nay rằng cứ làm ẩu cũng không sao vì nhà nước rốt cuộc sẽ cứu vớt?

Một trong những khúc mắc chính là chuyện đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Theo quy định hiện hành về chi trả bảo hiểm tiền gửi ban hành từ năm 2005, khi một ngân hàng phá sản thì người gửi tiền chỉ được bồi thường ở mức tối đa là 50 triệu đồng bất kể gửi bao nhiêu tiền. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng mức bảo hiểm tối đa này là quá ít, gây thiệt hại lớn cho không ít người gửi tiền khi VNCB bị cho phá sản.

Quan trọng hơn, VNCB nếu bị cho phá sản sẽ là một tiền lệ để dân chúng thấy rằng những ngân hàng yếu kém khác cũng có thể theo vết xe đổ đó, để rồi một nỗi sợ hãi mang tính dây chuyền sẽ được kích hoạt trong cộng đồng những người đang gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và thúc giục họ đổ xô rút tiền ra sớm để bảo toàn tài sản của mình. Nếu không kiểm soát kịp thời thì nạn dịch đổ xô rút tiền sẽ lây lan rộng, kéo theo nhiều ngân hàng khác vốn đang khỏe mạnh cũng lâm vào khủng hoảng thanh khoản, đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.

Do đó, trong chừng mực luật lệ hiện hành về bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi và cho đến nay ở Việt Nam chưa từng có một tiền lệ công khai về việc cho ngân hàng phá sản, giải pháp đỡ xấu hơn là NHNN đứng ra quốc hữu hóa VNCB, để nó tiếp tục tồn tại dưới cái bóng của NHNN làm yên tâm người gửi tiền. Quốc hữu hóa cũng còn là một cách trừng phạt các cổ đông của những ngân hàng yếu kém một cách hòa bình mà không sợ “ném chuyện vỡ bình” như trong trường hợp để cho chúng phá sản. Trong trường hợp VNCB, cổ đông của ngân hàng này trở nên tay trắng ngay sau hành động tuyên bố mua lại VNCB với giá 0 đồng của NHNN, và cả hệ thống vẫn hầu như không bị ảnh hưởng gì.

Cần lưu ý rằng giải pháp quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền của dân chúng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chính phủ Anh đã phải mua lại ngân hàng Northen Rock, Bradford & Bingley và Royal Bank of Scotland. Cũng thời gian này, Mỹ đã thực hiện một chương trình mua lại các tài sản và cổ phần của các ngân hàng có vấn đề ở nước này với trị giá ban đầu tới 700 tỷ USD. Sau một thời gian khá ngắn, phần lớn những ngân hàng có vấn đề này đã hồi phục và mua lại cổ phần của họ do chính phủ Mỹ nắm giữ, và chính phủ Mỹ cũng đã thu được lợi nhuận từ những thương vụ này.

Tuy vậy, đương nhiên phí tổn của việc quốc hữu hóa này là tổn thất tiền thuế của dân chúng góp để nuôi những “con nợ”, là những ngân hàng có vấn đề này, trong đó có VNCB. Nếu may mắn thì các ngân hàng này sẽ có một ngày nào đó phục hồi lại được sức khỏe và làm ra lãi để trả nợ lại NHNN, dưới hình thức NHNN bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư – các cổ đông mới – thu về một khoản lãi như trong trường hợp của Mỹ. Còn nếu không may mắn thì có lẽ NHNN sẽ để chúng “tan biến” vào các ngân hàng khác với cái giá như cho không, còn hơn là để chúng tồn tại như một cái gai trong hệ thống ngân hàng.

>> Ngân hàng Xây dựng về tay Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng

Theo TS. PHAN MINH NGỌC

Cùng chuyên mục
XEM