Quảng Ngãi: Để mắc ca không như dưa hấu...

20/04/2015 18:02 PM |

“Không trồng mắc ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.

Liên quan đến việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đã ký văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự.

"Không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả", ông Thọ yêu cầu.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu việc trồng khảo nghiệm cây mắc ca phải được quy hoạch chi tiết theo từng tiểu vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Đặc biệt, phát triển trồng mới phải gắn với cơ sở chế biến và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Chỉ cho phép trồng các loại cây được nhân giống vô tính (ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận.

Tại Quảng Ngãi, một số xã đã thử nghiệm trồng mắc ca như Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Long (cùng thuộc huyện miền núi Sơn Tây), nhưng hiện chưa đến kỳ hái quả.

Mới đây, trả lời phóng viên về chuyện phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng: “Việc khảo nghiệm, thử nghiệm, để tránh việc nay trồng mai chặt, là nhiệm vụ của Nhà nước... Những việc làm thí điểm là của Nhà nước. Những việc chịu rủi ro chúng ta không lường được, thì chúng ta không nên, và đừng bao giờ, dùng người nông dân để khảo nghiệm cho chúng ta khi mà chúng ta chưa chắc chắn”.

Với ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, trước khi dưa hấu tỉnh này được các nhóm thiện nguyện giải cứu, nhiều nông dân đã phải khóc ròng do giá dưa hấu giảm mạnh. Nông dân Quảng Ngãi hoặc mặc dưa hấu cho trâu ăn, hoặc chấp nhận bán tháo với giá 500 đồng/kg do lượng tiêu thụ từ Trung Quốc giảm mạnh.

Để mắc ca không lâm vào tình cảnh như quả dưa hấu, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Cây mắc ca sẽ không có hiệu quả như mong đợi nếu không nắm bắt được quy trình kỹ thuật và thị trường. Tại sao hành tây dư thừa không bán được, dưa hấu đổ đi cho trâu bò ăn không hết? Doanh nghiệp phải vào cuộc ngay từ đầu đối với những chương trình như thế này. Chỉ có doanh nghiệp mới kết nối được các quy trình từ sản xuất đến thu mua. Và phải có cam kết từ doanh nghiệp".

>> Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Đừng dùng người nông dân để khảo nghiệm mắc ca

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM