PMI của Trung Quốc chính thức xuống dưới 50 điểm

02/02/2015 09:47 AM |

Áp lực buộc Trung Quốc phải gia nhập vào làn sóng nới lỏng định lượng trên toàn cầu đang dâng cao, sau khi báo cáo thống kê cho thấy hoạt động sản xuất của nước này có tháng suy giảm đầu tiên trong hơn 2 năm.

Nội dung nổi bật:

- Chỉ số PMI tháng 1 giảm xuống còn 49,8 điểm. Mức dưới 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Các chỉ số phụ đều giảm.

- Trung Quốc đứng trước áp lực nới lỏng tiền tệ với một loạt chỉ số kinh tế suy giảm.


Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do chính phủ Trung Quốc tính toán đã giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 12 năm ngoái xuống còn 49,8 điểm trong tháng 1. Như vậy chỉ số này đã xuống dưới 50 điểm – ngưỡng phân chia giữa mở rộng và suy giảm.

Theo cơ quan thống kê Trung Quốc, các yếu tố mùa vụ, giá hàng hóa sụt giảm và lực cầu yếu là những nguyên nhân khiến PMI của Trung Quốc sụt giăm.

Hầu hết các chỉ số phụ như số đơn đặt hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu mới đều suy giảm. Chỉ số giá thu mua nguyên vật liệu thô giảm xuống còn 41,9 điểm – thấp nhất trong ít nhất 1 năm.

Chỉ số PMI của khu vực phi sản xuất cũng giảm từ mức 54,1 xuống còn 53,7 điểm trong tháng 1. Ngành dịch vụ đóng góp 48,2% GDP năm 2014, tăng 1,3 điểm phần trăm so với 1 năm trước.

Con số được công bố sau khi TTCK Trung Quốc có tuần giảm điểm mạnh nhất trong 1 năm với số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990.

Zhang Zhiwei – chuyên gia tại ngân hàng Deutsche Bank AG chi nhánh Hồng Kông – dự báo các số liệu kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm và buộc chính phủ Trung Quốc phải nới lỏng chính sách hơn nữa.

Tháng trước, các NHTW từ Eurozone tới Canada và Singapore đã tăng cường kích thích tiền tệ trong bối cảnh giá dầu giảm đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu. Kể từ khi có động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 2 năm vào tháng 11 năm ngoái, NHTW Trung Quốc đã bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua nhiều biện pháp khác nhau thay vì tiếp tục hạ lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Liu Li-Gang – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng ANZ – nhận định khu vực sản xuất của Trung Quốc vẫn đang đối mặt với áp lực giải chấp với giảm phát và quá trình giải phóng hàng tồn kho chưa kết thúc.

Trong khi đó, Hua Changchun – chuyên gia đến từ ngân hàng Nomura – nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong quý I.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers Index -PMI) là chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của một nền kinh tế được tính toán dựa trên khảo sát tại nhiều doanh nghiệp. Chỉ số cao hơn mốc 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất được mở rộng, trong khi dưới mức 50 điểm là hoạt động sản xuất bị thu hẹp. 

>> Thanh niên Trung Quốc vỡ mộng

Theo Tú Anh

Cùng chuyên mục
XEM