Phép màu kinh tế của Lý Quang Diệu

23/03/2015 14:40 PM |

Singapore đã tập trung vào bồi đắp những yếu tố cơ bản của nền kinh tế - khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, giữ lạm phát và thuế ở mức thấp cùng với đồng nội tệ ổn định, đồng thời tập trung vào giáo dục chất lượng cao.

Khi các nhà sử học nghiên cứu về sự trỗi dậy của châu Á hiện đại, họ sẽ tập trung vào sự nổi lên của những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu tồn tại một thứ gọi là “chủ nghĩa tư bản châu Á”, biểu tượng “sáng chói” nhất sẽ là “cha đẻ” của đất nước nhỏ bé nhất khu vực: Lý Quang Diệu – cựu Thủ tướng của Singapore vừa qua đời sáng nay (23/3) ở tuổi 91.

Chắc hẳn sẽ có rất ít người bất đồng với quan điểm cho rằng những gì Lý Quang Diệu đạt được ở Singapore là một “phép màu” về kinh tế. Cùng với cá tính mạnh mẽ, ông được mệnh danh là một trong những “người khổng lồ” của châu Á.

Từ năm 1960 đến 2011, GDP bình quân đầu người của Singapore đã tăng gấp hơn 100 lần, lên đến mức 55.000 USD. Quốc đảo nhỏ bé với dân số chỉ hơn 5 triệu người là quốc gia giàu có nhất thế giới nếu tính riêng trong nhóm các quốc gia không có tài nguyên.

Đây là một trong ba trung tâm lọc dầu xuất khẩu hàng đầu thế giới, cảng trung chuyển trên biển lớn nhất thế giới và là quốc gia châu Á duy nhất giành được mức xếp hạng tín nhiệm AAA từ cả ba tổ chức xếp hạng lớn. Singapore cũng được xếp hạng là nền kinh tế tự do thứ hai trên thế giới. ít tham nhũng nhất và đứng đầu về hiệu quả của nền kinh tế.

Thành phố Singapore là một trong những nền kinh tế hiện đại nhất thế giới, một “ốc đảo” nổi tiếng vì sự sạch đẹp cũng như cơ chế thông thoáng và thị trường mở rộng cửa đón chào các doanh nghiệp nước ngoài.

“Làm thế nào Singapore có thể tồn tại khi không còn là trung tâm của một vùng rộng lớn hơn đã từng là thuộc địa của nước Anh? Chúng tôi phải sáng tạo ra một loại hình kinh tế hoàn toàn mới, thử những phương pháp và chiến lược chưa từng được thực hiện ở bất cứ đâu, bởi trước đây không có đất nước nào giống như Singapore”, Lý Quang Diệu từng viết trong một cuốn sách.

Lý Quang Diệu đã có một tầm nhìn lớn khi nhận ra rằng Singapore – sau khi bị buộc phải tách ra khỏi Malaysia năm 1965 – cần phải nhìn xa trông rộng, vượt qua cả nước láng giềng luôn chú trọng vào xuất khẩu để hướng tới những nền kinh tế hiện đại của phương Tây hay Nhật Bản. Cùng với nhóm các nước châu Á khác được gọi là “những con hổ châu Á”, Singapore đã tập trung vào bồi đắp những yếu tố cơ bản của nền kinh tế - khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, giữ lạm phát và thuế ở mức thấp cùng với đồng nội tệ ổn định, đồng thời tập trung vào giáo dục chất lượng cao. Chính tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn đến Đặng Tiểu Bình khi ông thực hiện cải cách thị trường ở Trung Quốc.

Bước đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Singapore đến vào năm 1968, khi Texas Instruments bắt đầu sản xuất chip bán dẫn ở Singapore. National Semiconductors theo chân ngay sau đó. Hewlett-Packard là một cái tên khác bị thu hút bởi Singapore và General Electric thành lập tới 6 cơ sở sản xuất ở đây. Đến những năm 1980, Singapore đã trở thành một nước lớn trên thị trường xuất khẩu hàng điện tử. Đến năm 1997, có gần 200 công ty Mỹ đặt cơ sở ở đây với tổng vốn đầu tư lên đến 19 tỷ USD.

Singapore trỗi dậy và trở thành một trung tâm tài chính nhờ vào sự quan sát tinh tế: người ta thức ở Singapore khi thị trường tài chính phương Tây chìm trong giấc ngủ, từ khi San Francisco tắt đèn đi ngủ cho tới khi Zurich thức dậy vào buổi sáng. Singapore đã lấp đầy chỗ trống và cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng 24/7.

Giống như nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia hay Thái Lan, Singapore cũng đang nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy sáng tạo và thay đổi mô hình tăng trưởng sao cho hiệu quả nhất.

Nội tại Singapore cũng gặp phải một số vấn đề: nỗ lực thúc đẩy sáng tạo trong trường học cũng như trong xã hội đang bị chững lại và tỏ ra không hiệu quả. Đảng PAP của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ giành được 60% số phiếu trong cuộc bầu cử mới nhất – quá thấp so với những con số trong lịch sử.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận một thực tế là Lý Quang Diệu thực sự đã tạo ra được phép màu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn có được.

>> Ông Lý Quang Diệu từng nói gì về Việt Nam?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM