Nước Đức trước cuộc khủng hoảng người tị nạn

19/08/2015 09:02 AM |

Năm 2014 nước Đức đã tiếp nhận khoảng hơn 200.000 người tị nạn nhưng chỉ riêng nửa đầu năm nay, con số này đã lên tới gần 180.000.

Cuộc khủng hoảng tị nạn tại Đức không chỉ là vấn đề của riêng năm nay mà còn trở thành vấn đề của thế kỉ 21. Vấn đề này thậm chí còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với việc ổn định đồng Euro hay tái phát triển Hi Lạp. Mỗi chính sách quyết định của chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của hàng triệu người tị nạn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta rời bỏ quê hương mình. Trong khi những người Syria hay người Eritrea không thể tiếp tục sống tại quê nhà bởi chiến tranh, khủng bố tàn sát hay độc tài, thì người dân của các quốc gia trên bán đảo Balkan như Serbia, Albania và Kosovo lại bỏ đi – không phải vì bị đe dọa tính mạng – mà vì không thấy nơi này có triển vọng phát triển nào.

Các vấn đề về kinh tế không phải là lí do tị nạn nhưng trong rất nhiều trường hợp nó đã bị lợi dụng thành lá chắn cho những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên cơ hội ở lại Đức của người dân từ bán đảo Balkan là rất nhỏ bé vì theo luật tị nạn của Đức, chỉ người tị nạn vì lí do chính trị mới được chấp thuận.

Tại sao nhiều trại tị nạn bị quá tải?

Số lượng người tị nạn tới Đức tăng lên vô cùng nhanh chóng.

Năm 2014 nước Đức đã tiếp nhận khoảng hơn 200.000 người tị nạn nhưng chỉ riêng nửa đầu năm nay, con số này đã lên tới gần 180.000.

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern J. Herrmann cho biết, số lượng người tị nạn tới Đức trong năm nay sẽ không chỉ dừng lại ở con số 450.000 người như dự đoán trước đây của chính phủ mà có thể còn tăng lên tới 600.000. Đây có thể là con số cao nhất trong hơn 60 năm trở lại đây tại Đức – cao hơn mức kỉ lục gần 440.000 người được ghi nhận vào năm 1992.

Người tị nạn ồ ạt đổ về Đức là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu chỗ ở trầm trọng.

Tại Bochum, người xin tị nạn phải chuyển tới đồng cỏ tại nghĩa trang. Tại Ausburg và Schwerte người ta thậm chí đã phải cân nhắc việc chuyển người tị nạn đến các trại tập trung của Đức quốc xã trước kia. Còn người tị nạn ở Hamburg đang sống tạm trong đại sảnh một trạm cứu hỏa hay thậm chí trong các lều trại dựng trên các bãi đậu xe.

Tuy nhiên, mặc cho tình trạng thiếu chỗ ở, hàng nghìn người từ các nước như Syria, Eritrea, Afghanistan hay Iraq vẫn sẽ tiếp tục trốn tới Đức. Chính quyền các bang và thành phố bị chỉ trích "không biết lo xa" khi những năm trước đó không có bất kì sự chuẩn bị phù hợp về chỗ ở cho người tị nạn.

Tại sao lại có quá nhiều hỗn loạn và bạo lực?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn và bạo lực hiện nay tại các cơ sở tị nạn: thiếu chỗ ở, thiếu chăm sóc y tế thích hợp, thiếu kinh phí hay thiếu nhân lực. Việc chung sống trong một không gian hạn hẹp cũng khiến dịch bệnh bùng phát dễ dàng hơn đồng thời cũng gây ra những căng thẳng xã hội tại Đức.

Tuy rằng người tị nạn sau đó sẽ được phân tới từng bang theo kế hoạch Königsstein (*), nhưng bởi các cơ sở tiếp nhận đầu tiên đã quá tải từ lâu nên tình trạng hỗn loạn vẫn diễn ra thường xuyên. Chính quyền Đức không chỉ phải đối mặt với vấn đề chỗ ở, mà còn phải đối mặt với việc không đủ nhân lực để quản lí hàng núi hồ sơ xin tị nạn, mặc dù Cơ quan liên bang về nhập cư và người tị nạn (BAMF) đã thuê thêm 1000 nhân viên mới.

Hơn 40% người tị nạn khai nhận trong hồ sơ đến từ các quốc gia thuộc bán đảo Balkan như Kosovo, Serbia, Albania hay Macedonia nhưng tính chính xác của những thông tin này rất khó để xác nhận.

 

Tình trạng tại các trại tị nạn ở Đức ngày càng trở nên hỗn loạn hơn. Hầu như mỗi ngày đều có hàng loạt ghi nhận về bùng nổ bạo lực.

Việc hàng trăm người phải sống chung với nhau trên một đất nước lạ, trong một không gian nhỏ hẹp luôn tiềm ẩn những xung đột mâu thuẫn. Trong một lều tị nạn ở Dresden, khoảng 100 người Syria và Afghanistan đã lao vào nhau, ném bàn ghế, cột chống lều và thậm chí cả đá.

Thực dễ lí giải tại sao người tị nạn lại dễ trở nên hung hăng hơn: không có việc làm, phải hứng chịu những tổn thương tinh thần từ chiến tranh và bạo động trên quê hương mình, hằng ngày họ phải sống trong thấp thỏm lo sợ rằng sẽ không được phép ở lại Đức.

Tuy nhiên tình trạng an ninh tại các trại tị nạn còn bị đe dọa bởi các vụ tấn công từ những người phản đối người tị nạn, những kẻ bài ngoại cực đoan và những nhóm cực hữu.

Năm 2014 số các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn đã tăng gấp 3 lần so với các năm trước nhưng trong nửa đầu năm 2015 con số này vẫn tiếp tục tăng lên rõ rệt. Các nhóm cực hữu cũng đã châm ngòi những cuộc phản đối người tị nạn trên mạng.

Phát ngôn viên sở cảnh sát Radeck cho hay: "Cảnh sát không thể đảm bảo hoàn toàn an ninh tại các cơ sở tị nạn. Tình trạng bạo loạn sẽ chỉ giảm xuống khi người tị nạn nhận được nhiều sự chấp thuận hơn từ phía người dân và khi có nhiều chỗ ở hơn dành cho họ."

 

Bên cạnh những giúp đỡ người tị nạn cũng phải đối mặt với sự đe dọa và bài xích từ những người phản đối (Ảnh: AFP).

Báo cáo về bùng phát dịch bệnh tại các trại tị nạn cũng góp phần làm dấy lên định kiến của những kẻ bài ngoại. Một vài tuần trước bệnh ghẻ đã bùng phát tại 1 số điểm tị nạn ở Bremen và Dresden.

Một bác sĩ da liễu cho biết: "Khi có quá nhiều người sinh hoạt cùng nhau trong một căn phòng chật hẹp thì việc dùng chung giường, khăn mặt hay quần áo có thể khiến bệnh ghẻ nhanh chóng lây lan. Bệnh thường bùng phát tại các nhà trẻ, các trại dưỡng lão hay các trung tâm chăm sóc. Không chỉ người bệnh mà cả môi trường xung quanh đều cần được xử lí. Tuy nhiên thật khó để xử lí mầm bệnh tại các cơ sở tị nạn luôn quá tải như thế này."

Phần lớn người tị nạn đều đã phải trải qua điều kiện vệ sinh tồi tệ trong suốt hành trình trốn chạy. Sức khỏe giảm sút và phải sinh hoạt chung với nhau trong điều kiện không mấy khả quan tại các điểm tị nạn là một phần nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh tại những nơi này.

 

Biểu tình phản đối xây dựng lều trại cho người tị nạn ở Dresden (Ảnh: DPA)

Quản lý của Hiệp hội các thành phố và cồng đồng bang Nordrhein-Westfalen, ông Schneider, cho biết: "Các bang và các thành phố đã phàn nàn về sự thiếu kinh phí để cung cấp chỗ ở cho người tị nạn cũng như thiếu đội ngũ chăm sóc tình nguyện từ hàng tháng nay. Trong khi số lượng người tị nạn ngày một tăng cao, rất nhiều tình nguyện viên có thể sẽ bỏ cuộc vì phải chịu gánh nặng ngày càng lớn. Việc thuê thêm người hỗ trợ sẽ rất tốt kém bởi không thể kiếm thêm người từ các cơ quan quản lý. Chúng ta không thể cho phép các nhân viên quản lý kiệt sức trong những giai đoạn khủng hoảng do quá tải này."

Các thành phố yêu cầu các bang thêm ngân sách, các bang lại yêu cầu chính phủ liên bang. Cơ quan liên bang về nhập cư và người tị nạn (BAMF) không chỉ muốn tăng số lượng nhân sự mà còn muốn thành lập thêm các trung tâm giải quyết hàng núi đơn xin tị nạn hiện nay. Chính phủ liên bang và chính quyền từng bang cũng thông báo về những sự cải thiện mới và đang cố gắng đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn.

Chính sách tị nạn mới

Lãnh đạo Hiệp hội các thành phố và cộng đồng Landsberg yêu cầu cần nhanh chóng thành lập chính sách tị nạn hoàn toàn mới từ cách thức tổ chức, nhân sự cho đến tài chính, đồng thời nhấn mạnh rằng, để đối phó với mùa đông, chỗ ở tạm thời trong các lều trại cần được thay thế bằng các chỗ ở chắc chắn nhanh nhất có thể. Điều này chỉ khả thi với tốc độ thi công nhanh chóng.

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern, ông Herrmann đề nghị giảm mức tiền tiêu hằng tháng của người tị nạn từ bán đảo Balkan vì điều này đang trở thành gánh nặng quá mức đối với người đóng thuế: "Hiện nay bên cạnh chỗ ở, ăn uống và chăm sóc, mỗi người tị nạn được nhận thêm 143 Euro tiền 'tiêu vặt' để chi trả phí gọi điện thoại hay sử dụng các phương tiện công cộng. Khoản tiền này là điều hấp dẫn người dân từ Balkan đổ xô tới Đức với mong muốn mang tiền về nhà.

Thay vì được nhận tiền để tự mua đồ ăn và quần áo, người tị nạn chỉ nên nhận chăm sóc bằng hiện vật. Những người tị nạn thực sự cũng chỉ cần được sống trong an toàn, có chỗ ở, được chăm sóc hằng ngày và có quần áo để mặc."

Theo ông Thomas de Maizière, Bộ trưởng bộ Nội vụ liên bang, khoản tiền mỗi người tị nạn được nhận thêm ở Đức có mức cao tương đương với thu nhập hàng tháng của một cảnh sát tại Kosovo hay Albania.


(*) Theo kế hoạch Königsstein (Königssteiner Schlüssel), số lượng người tị nạn được phân tới từng bang phụ thuộc vào doanh thu thuế và dân số của từng bang. Theo đó, các bang Nordrhein-Westfalen, Bayern và Baden-Württemberg sẽ tiếp nhận số lượng người tị nạn nhiều nhất (chiếm hơn 49% tổng số người tị nạn được tiếp nhận ở Đức).

Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM