Núi Tàu tan hoang, chưa thấy kho vàng

01/07/2013 08:07 AM |

Mới đây, PV Thanh Niên có dịp quay trở lại núi Tàu. Một cảnh hoang sơ không giống như cách đây một tháng mà chúng tôi từng chứng kiến. Công nhân đã rút gần hết cùng với các thiết bị máy móc được các cộng sự của cụ Tiệp di dời khỏi núi Tàu. Lưng chừng núi là những bãi đất còn tươi mới, những hang hố như những cái ao.

Trên núi Tàu, chỉ còn 1 chiếc máy đào nhỏ và 2 công nhân canh giữ trong cái lán trại dã chiến. Sau 9 tháng miệt mài đào bới, cụ Trần Văn Tiệp luôn có những thông tin “mới” như phát hiện “cửa hang”, hé lộ những thỏi kim loại mà không phải thứ kim loại có trong tự nhiên.

Rồi lại phát hiện 2 bộ hài cốt, sau đó là 9 bộ hài cốt nghi là những “nữ thần” bị chôn sống để canh giữ kho vàng được phát hiện ở khu vực cửa hang. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những nghi ngờ của ông cụ từng mất gần nửa đời người cho kế hoạch sẽ lôi vàng từ trong núi ra cho ngân khố quốc gia.

Trong suốt một tháng qua, cụ Tiệp đã 3 lần xuất hiện ở núi Tàu để cùng những người cộng sự tìm giải pháp khoan mới cho các mũi khoan còn lại mà UBND tỉnh Bình Thuận cho phép, nhưng chưa thực hiện kịp. Anh Trần Phương Hoàng (con trai cụ Tiệp) cho biết, trong những ngày sắp hết hạn cụ Tiệp luôn hối thúc các cộng sự đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên kết quả vẫn chưa lôi được kho vàng lên. Anh Hoàng nói, sở dĩ các thiết bị đưa xuống núi là “do ông cụ tuân thủ nghiêm quy định của UBND tỉnh khi giấy phép đã hết hạn”.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, Tổ trưởng Tổ giám sát quá trình đào núi tìm vàng của cụ Tiệp - cho biết đầu tuần này Tổ giám sát sẽ ra khảo sát lại toàn bộ khu vực mới có thể làm văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xem xét việc gia hạn.

Trên thực tế, diện tích mà UBND tỉnh cho phép cụ Tiệp chỉ chừng 4.000 m2 phía đông của núi Tàu. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, tác động của việc đào bới có ảnh hưởng tới một diện tích lớn hơn khá nhiều.

Núi Tàu được mệnh danh là núi của xứ hoa bằng lăng tím tuyệt đẹp. Nhưng những khóm bằng lăng có hình thù lạ mắt cứ được bứng lên cho chết khô, hoặc bị dập nát. Anh Ngô Văn Cúc, một người dân tại địa phương (xã Phước Thể, H.Tuy Phong) nói: "Cùng với sự đào bới của cụ Tiệp, nhiều người cũng ăn theo đến đây bứng bằng lăng đi bán. Một vạt đông núi tàu đã mất đi bạt ngàn gốc bằng lăng quý hiếm".

Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cho biết, hiện ông đã nhận được đơn xin gia hạn tiếp theo của cụ Tiệp. Trong đơn cụ Tiệp tiếp tục trình bày những khó khăn khi gặp phải địa chất phức tạp ở núi Tàu, nên chưa thực hiện hết các mũi khoan mà tỉnh cho phép. “Hiện tỉnh đã giao cho Tổ giám sát khảo sát và xem xét trước khi tham mưu cho tỉnh có tiếp tục cho phép cụ Tiệp thăm dò nữa hay không” - ông Phương nói.

Theo Quế Hà

duchai

Từ khóa:  núi tàu , kho vàng
Cùng chuyên mục
XEM