Nỗi đau chưa dứt của người Nhật 5 năm sau thảm họa động đất, sóng thần

10/03/2016 15:09 PM |

Thảm họa đã khiến nhiều người Nhật rơi khỏi vị trí thuộc tầng lớp trung lưu và lâm vào cảnh đói nghèo.

Cách đây 5 năm, vào ngày 11/3/2011, lúc 2h46 phút chiều, một trận động đất mạnh 9 độ richte đã gây chấn động toàn bộ vùng Tohoku gây ra trận sóng thần lịch sử và khiến phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 rò rỉ nghiêm trọng.

Thảm họa này đã gây chấn động thế giới và nó như một nhát dao đâm vào “tim” nước Nhật.

Đầu năm nay, trong một bài phát hiệu trước lưỡng viện Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố các nỗ lực tái thiết khu vực động đất sóng thần đã đạt được rất nhiều kết quả tốt, quá trình hồi phục của vùng đã bước sang một giai đoạn mới.

Khi nghe những lời tuyên bố trên, mọi người đều hân hoan sung sướng. Nhưng ai biết, đằng sau đó còn rất nhiều câu chuyện cay đắng.

Bất chấp việc các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các khu vực chịu tác động bởi động đất sóng thần đã hồi sinh, trên thực tế đời sống của người dân vẫn vô cùng khốn khổ.

5 năm sau thảm họa, ông Takahashi Yagasa năm nay đã ngoài 70 tuổi. Hiện ông đang sống tại Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Ngày ngày những ai đi qua lại ngôi nhà sẽ thấy ông thường ngồi trong một chiếc ghế nhỏ trong căn nhà nhỏ dột nát nhìn ra xa xăm. Dù tiết trời đang trong mùa đông lạnh giá của những ngày đầu năm 2016, nhưng gia đình ông hiếm khi dám bật sưởi trừ lúc ngủ lạnh bởi họ không có tiền.

Sóng thần đến, căn nhà bị phá hủy khá nặng nề, tường nhà bong tróc, dột nát mà ông Takahashi Yagasa cũng không có tiền sửa lại. Sau thảm họa, ông đã nhận hỗ trợ 1,3 triệu yên từ chính quyền tỉnh. Thế nhưng số tiền cũng chẳng đáng bao nhiêu so với những hư hại mà căn nhà phải hứng chịu. Nó vẫn ngày một dột nát hơn sau năm này qua năm khác.

Vợ ông mất trong trận sóng thần còn người con trai thì tàn tật và mất khả năng lao động. Bởi anh đóng thuế và bảo hiểm chưa được bao lâu thế nên sau trận sóng thần đó, anh vừa mất việc vừa không được hưởng bất kỳ chế độ bảo hiểm nào của chính phủ.

Người cha già ngoài 70 tuổi của anh nhận được trợ cấp 80 nghìn yên mỗi tháng và số tiền đủ chỉ đủ để hai cha con anh sống tằn tiện qua ngày, chứ nói gì đến tiền để sửa nhà cửa. Ngay cả nếu họ muốn vay ngân hàng thì điều đó cũng là không thể, bởi sẽ chẳng ngân hàng nào chấp nhận duyệt tín dụng cho người già trên 70 tuổi cùng với đứa con tàn tật và không có nguồn thu nhập nào.

Chính phủ Nhật đã xây hàng chục ngàn căn nhà tạm thời cho những nạn nhân của động đất sóng thần, tuy nhiên ông Takahashi lại không đủ tiêu chuẩn được được xét duyệt vào đây bởi ông đã nhận được 1,3 triệu yên tiền đền bù.

Ông Takahashi chỉ là một trong số hàng chục ngàn người Nhật hiện vẫn đang phải sống trong cảnh túng thiếu cùng cực dù thảm họa động đất sóng thần khủng khiếp đã qua từ rất lâu.

Người dân Fukusima vẫn kiên trì biểu tình suốt nhiều năm để nhắc nhở mọi người về một Fukushima không an toàn.

Sẽ thật không công bằng nếu nói rằng chính phủ Nhật không làm gì giúp dân sau thảm họa động đất sóng thần. Chính phủ Nhật đã bơm hàng chục nghìn tỷ yên vào xây dựng lại đường sá, cầu cảng cũng như các hệ thống đê bao chắn biển tại tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima. Ngoài ra, họ cũng xây thêm hàng trăm nghìn căn nhà cho nạn nhân mất nhà do những vụ động đất sóng thần.

Thế nhưng còn hàng chục nghìn người khác giống như ông Takahashi, không thuộc diện chuyển vào nhà của chính phủ, nhưng cũng không có đủ khả năng tài chính để tự mang đến cho mình điều kiện vật chất tốt hơn. Ước tính hiện có ít nhất 12 nghìn người Nhật đang sống cuộc sống khổ sở như ông Takahashi.

Chính ông Ohkan, người đứng đầu một nhóm hỗ trợ của chính phủ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, thừa nhận rằng còn quá nhiều vấn đề tồn tại ở đây dù thảm họa đã trôi qua đến 5 năm.

Những thành phố, thị trấn ven khu vực bờ biển từng xảy ra động đất sóng thần cứ ngày một hoang vắng. Thực ra từ trước thảm họa thì những nơi này đã đối diện với tình trạng dân số giảm do người già qua đời, người trẻ không muốn sinh con và phần lớn họ ra các thành phố lớn để sống. Sau thảm họa, không còn ai muốn quay về nơi này để sống nữa. Sự xuất hiện của thành phố, thị trấn ma cứ ngày một nhiều.

Kết quả các cuộc khảo sát dân số cho thấy tại các thị trấn chịu nhiều tác động nhất từ động đất, sóng thần, dân số có nơi giảm ít nhất hơn 8%, còn ở những nơi tồi tệ hơn, dân số giảm 45% hoặc đến 75% và nếu với tốc độ suy giảm thế này, sẽ chỉ vài năm nữa, một số thị trấn sẽ hoàn toàn hoang vắng.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM